Chào mừng đến với Blogger !!!

30 tháng 5, 2012

VAI TRÒ CỦA LX TRONG CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ 2


Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra ngày 1-9-1939 khi phát xít Đức tấn công Ba Lan. Sau khi chiếm hầu hết châu Âu, rạng sáng ngày 22-6-l941 phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô. Cuộc chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô bắt đầu. Theo kế hoạch “Bacbarôt”, phát xít Đức hy vọng nhanh chóng đánh chiếm Liên Xô và “bắt thế giới đầu hàng”.
Ý thức được điều đó, Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân, Hồng quân Liên Xô sẵn sàng đương đầu với chủ nghĩa phát xít, không những vì nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc mà còn vì sự sống còn của toàn nhân loại. Sự thật lịch sử đã chứng minh: quân đội và nhân dân Liên Xô là người đóng vai trò quyết định trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít. Điều đó được thể hiện ở những điểm sau:
1) Hồng quân Liên Xô đã chịu đựng gánh nặng lớn nhất của chiến tranh và tiêu diệt đại bộ phận lực lượng phát xít trên mặt trận Xô - Đức
 Trong chiến tranh thế giới thứ hai, chiến sự diễn ra trên nhiều mặt trận: mặt trận Tây Âu, mặt trận Bắc Phi, mặt trận Xô - Đức, mặt trận Thái Bình D.ương... Nhìn chung, mặt trận nào cũng gay go, phức tạp và kèm theo những tổn thất vô cùng lớn lao. Tuy nhiên, nếu xét về trọng tâm chiến lược của quân đội phát xít, về cường độ chiến tranh và tác dụng quyết định của các chiến dịch đối với kết quả cuối cùng của toàn bộ cuộc chiến tranh thì mặt trận Xô - Đức được xếp ở vị trí đầu tiên.
->Mặt trận Xô - Đức chính thức mở màn ngày 22-6-1941.
Vào thời điểm đó tổng số quân của lực lượng vũ trang Đức là 8,5 triệu người và được biên chế thành 214 sư đoàn, trong đó 190 sư đoàn được phái sang mặt trận Xô – Đức (5,5 triệu quân). Tiềm lực quân sự của phát xít Đức cũng tăng lên nhanh chóng. Đến giữa năm 1941 Đức tập trung tại mặt trận phía Đông 10.000 máy bay và gần 6.000 xe tăng.
Chính tại mặt trận Xô - Đức, quân đội phát xít đã phải gánh chịu những tổn thất to lớn về người và vật chất: theo số liệu gần đây thì tổng số quân Đức bị chết, bị thương và bị bắt làm tù binh trong chiến tranh thế giới lần thứ hai lên tới gần 14 triệu người, trong đó riêng ở mặt trận Xô - Đức là 10 triệu người.
Một khối lượng khổng lồ vũ khí, quân trang, quân dụng bị phá hủy hoặc bị tịch thu: 48.000 xe tăng, 77.000 máy bay và hàng triệu vũ khí các loại. Thắng lợi của Liên Xô trên mặt trận Xô - Đức mang tính quyết định đến toàn bộ kết quả của chiến tranh, đánh gục hoàn toàn chủ nghĩa phát xít Đức, tiến tới kết thúc cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
2) Chiến thắng của quân đội Liên Xô làm thay đổi cục diện chiến tranh góp phần giành thắng lợi cho các lực lượng chống phát xít
Trong những trận giáp chiến liên tục kéo dài 5 tháng rưỡi vào mùa hè và thu năm 1941, Hồng quân Liên Xô đã làm thất bại kế hoạch “chiến tranh chớp nhoáng” của phát xít Đức và buộc chúng chuyển sang thế phòng thủ với những tổn thất lớn lao: gần 403.000 quân bị giết, bị thương và bị bắt làm tù binh.
Trận đánh ở cửa ngõ Mátxcơva mùa đông 1941 - 1942 là một trong những sự kiện lịch sử quan trọng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngày 30-9-1941 phát xít Đức huy động một lực lượng đông đảo gồm 1,8 triệu quân, 1.700 xe tăng, 14.000 đại bác và súng cối, gần 1.000 máy bay chiến đấu đánh vào Mátxcơva.
Mọi tầng lớp dân chúng Mátxcơva cùng nhất loạt đứng lên đánh trả quân xâm lược. Tổn thất của phát xít Đức lên tới gần 400.000 người. Chiến thắng ở Mátxcơva làm thay đổi cán cân lực lượng trong chiến tranh thế giới lần thứ hai theo hướng có lợi cho các lực lượng Đồng minh chống phát xít và làm cho uy tín của Liên Xô được tăng cao.
Từ giữa năm 1942 đến đầu 1943 những trận đánh ác liệt kéo dài 6 tháng ở Xtalingrát đã làm cho phát xít Đức trở nên khốn quẫn hơn. Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt 1/4 tổng số quân địch trên toàn bộ mặt trận Xô - Đức lúc đó: 22 sư đoàn tinh nhuệ bị xóa sổ, 1.700.000 tên địch bị tiêu diệt, 300.000 binh lính và sĩ quan bị bắt làm tù binh. 24.000 khẩu đại bác, 3.500 xe tăng và 4.300 máy bay Đức bị tiêu diệt. Chiến dịch Xtalingrát đánh dấu bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi cục diện cuộc chiến tranh Vệ quốc của nhân dân Liên Xô cũng như cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Mùa hè năm 1943 diễn ra trận đánh lớn ở vòng cung Cuốcxcơ. Tại đây, hai bên tập trung tới 4 triệu quân, 69.000 đại bác và súng cối, 13.000 xe tăng, 11.000 máy bay. Sau 50 ngày đêm chiến đấu, quân đội Liên Xô đã đập tan cuộc tấn công chiến lược của địch, tiêu diệt nửa triệu quân, 3.000 máy bay, 1.500 xe tăng cùng nhiều vũ khí khác.
Sau chiến dịch Cuốcxcơ, quân đội Liên Xô chuyển sang phản công, giải phóng hoàn toàn đất nước Xô viết, tiến tới biên giới phía Tây. Mãi đến ngày 6-6-1944 khi quân đội phát xít Đức bị đánh đuổi hoàn toàn ra khỏi lãnh thổ Liên Xô và Hồng quân Liên Xô bắt đầu chiến dịch giải phóng lãnh thổ các nước Đông Âu, truy quét phát xít Đức đến tận sào huyệt của chúng thì liên quân Anh - Mỹ mới vội vàng mở “Mặt trận thứ hai” (chiến dịch Ôvéclô) do tướng Đ.Aixenhao chỉ huy, chia sẻ gánh nặng chiến tranh với Liên Xô. Đây là cuộc đổ bộ lớn nhất trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, gồm khoảng 1,5 triệu người để chiến đấu với 560.000 quân phát xít Đức. Trong khi đó, tại mặt trận phía Đông, Liên Xô đã phải huy động tới 4,5 triệu người để chống lại 5,5 triệu quân phát xít Đức.
Cuộc đổ bộ vào Noócmăngđi và các cuộc tiến công sau đó của quân đội Anh - Mỹ vào Pháp và Bỉ cũng là chiến dịch có ý nghĩa lớn về chính trị và chiến lược. Nhưng không thể đánh giá quá cao vai trò của chiến dịch Ôvéclô và ảnh hưởng của nó đối với diễn biến sau này, cũng như đối với việc kết thúc của thế chiến thứ hai được. Điều kiện cần thiết chủ yếu cho thắng lợi của chiến dịch này là phát xít Đức đã mất khả năng chi viện cho chiến trường Tây Âu.
Chúng đã bị suy yếu vì những tổn thất nặng nề trong các trận đánh ở mặt trận phía Đông với quân đội Liên Xô. Chính Sớc-sin, một người chống cộng sản điên cuồng và hết sức thù ghét Liên Xô, cũng đã phải tuyên bố ở hạ nghị viện Anh ngày 28-9-1944 rằng: “Chính quân đội Nga đã rút ruột bộ máy chiến tranh của Đức và hiện nay đang kìm lại trên chiến trường của họ một bộ phận lực lượng địch rất lớn”.
Một số khác không phủ nhận thắng lợi của Liên Xô nhưng lại coi thắng lợi đó là kết quả của những sai lầm về kế hoạch tác chiến của Hítle, hoặc nhờ có viện trợ vũ khí, lương thực... của Anh, Mỹ cho Liên Xô. Thực ra số hàng viện trợ của Anh - Mỹ lúc đó là rất cần thiết và quí giá trong khi Liên Xô gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Song số vũ khí viện trợ đó chỉ chiếm 4% lượng vũ khí do Liên Xô sản xuất, bao gồm: 9.600 khẩu đại bác (2%), 18.700 máy bay (12%), 10.800 xe tăng (l0,4%), 400.000 ô tô, một số đầu máy xe lửa, nhiên liệu, khí tài thông tin, thuốc men, lương thực...
Số viện trợ này rất ít ỏi so với sự đóng góp của Liên Xô nhằm giảm bớt sự hy sinh, mất mát của các nước Đồng minh trong chiến tranh và điều quan trọng là Hồng quân đã chặn đứng quân đội phát xít Đức và bắt đầu tổng phản công từ cuối năm 1941, trước khi Liên Xô nhận được những chuyến hàng viện trợ từ Mỹ, Canada và Anh vào giai đoạn 1943-l945, khi nền công nghiệp của Liên Xô đã sản xuất được nhiều hơn của Đức.
Việc đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức là bằng chứng không thể chối cãi được về sự bất lực của những kẻ xuyên tạc lịch sử. Không thể phủ nhận một sự thật là Quân đội Liên Xô đã giữ vai trò chủ lực, là lực lượng quyết định đánh bại chủ nghĩa phát xít Đức ở châu Âu.
3) Tiêu diệt phát xít Nhật- (Không bao giờ được phép quên sự hy sinh của nhân dân Liên Xô)
Ngày 1-9-1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan. Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Quân Đức tiến công sang phía Tây trước và từ tháng 4-1940 đến đầu năm 1941 đã chiếm và đặt ách thống trị lên hầu hết các nước Tây Âu và Đông Âu tư bản chủ nghĩa. Nhật Bản mở rộng chiếm đóng Trung Quốc, tiến sang Đông Nam Á.
Ngày 22-6-1941, 190 sư đoàn phát xít Đức tấn công Liên Xô. Ngày 8-12-1941, Nhật Bản bất ngờ tiến công Trân Châu Cảng ở quần đảo Hawaii (Mỹ), chiến tranh lan sang châu Á - Thái Bình Dương. Quy luật lợi nhuận tối đa và sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản đã dẫn đến cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn đế quốc: phát xít Đức - Ý - Nhật Bản và Anh - Pháp - Mỹ nhằm giành giật thị trường, nguồn nguyên liệu và chia lại thế giới.
Từ khi phát xít Đức xâm lược Liên Xô, tính chất chiến tranh đế quốc chuyển thành chiến tranh giữa các lực lượng dân chủ do Liên Xô làm trụ cột với các lực lượng phát xít do Đức cầm đầu.
Tối 27-4-1945, các tuyên bố được đưa ra đồng thời tại Luân Đôn, Moskva và Washington tái khẳng định quyết tâm của 3 nước Đồng minh trong việc tiêu diệt hoàn toàn Đức Quốc Xã. Theo tuyên bố của chính phủ Anh hôm đó, các chỉ huy của một sư đoàn bộ binh Mỹ và một sư đoàn quân đội Liên Xô đã gặp nhau tại thành phố Torgau, phía Nam Berlin, vào lúc 16g giờ địa phương ngày 26-4.
Nhưng trên thực tế, liên lạc trực tiếp lần đầu tiên giữa binh sĩ hai nước đã được thực hiện trong một cuộc trinh sát từ trước đó một ngày. Từ rạng sáng ngày 23-4, sóng radio liên lạc của quân đội Liên Xô bắt đầu xen lẫn vào sóng của các binh sĩ Mỹ. Một thượng sĩ Mỹ biết tiếng Nga thuộc sư đoàn thiết giáp số 6 cho biết, anh đã thực sự nói chuyện được với các binh sĩ Liên Xô qua radio trong ngày hôm đó.
Ngay khi nhận tin trên, một số nhóm trinh sát của Mỹ được cử đi tiên phong để tìm bắt liên lạc với các đơn vị của Hồng quân Liên Xô. Nhiệm vụ này được giao cho một đội tuần tra gồm 35 người thuộc tiểu đoàn 3, sư đoàn bộ binh 69 do trung úy Albert L. Kotzebue chỉ huy.
Khi Kotzebue và toán tuần tra đi bằng xe jeep tiến vào ngôi làng có tên Leckwitz lúc 11g30 ngày 25-4-1945, họ nhìn thấy một người lính đang đứng một mình với bộ quân phục rất khác so với những gì họ từng thấy trước đây. Vì đó là người lính Xô Viết mà lần đầu tiên họ được gặp trực diện. Một bác sĩ quân y Mỹ biết nói tiếng Nga được cử tới tiếp cận để tìm hiểu thông tin. Người lính Liên Xô cho biết, tổng hành dinh của đơn vị anh đóng ở phía Đông vị trí mình đang đứng.
Trước tình huống này, trung úy Kotzebue quyết định đưa toán trinh sát tiến về phía sông Elbe. Khi tới ngôi làng Strehla, ông nhìn thấy nhiều người mặc quân phục tập trung bên kia bờ phía Đông của sông Elbe. Tia sáng lấp lánh do mặt trời phản chiếu từ các tấm huân chương gắn trên ngực áo những người lính bên đó khẳng định với ông rằng, đây chính là những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô.
Trước đó, các chỉ huy cao cấp của quân đội Đồng minh đã vạch kế hoạch cho giây phút hội ngộ đặc biệt giữa quân đội Mỹ và Liên Xô và đây chính là lúc thời điểm lịch sử trở thành hiện thực. Theo thỏa thuận về dấu hiệu để nhận biết nhau, binh sĩ Liên Xô sẽ bắn pháo sáng màu đỏ, còn quân đội các nước Đồng minh khác như Mỹ tiến từ phía Tây sang sẽ bắn pháo sáng màu xanh lá cây.
Nhưng đối với những người lính trên chiến trường thì những thỏa thuận về mặt dấu hiệu do các chỉ huy chuẩn bị từ trước hầu như chẳng có ý nghĩa gì. Họ tự sáng tạo ra những dấu hiệu nhận biết riêng theo cách của mình. Toán trinh sát của trung úy Kotzebue dùng các lá cờ Anh và Mỹ để ra hiệu với các binh sĩ bên kia sông. Họ vừa vẫy cờ vừa hô to “Americanski” và nhận được những cử chỉ thân thiện từ phía binh sĩ Xô Viết đáp lại.
Lúc đó trung úy Kotzebue phát hiện một chiếc thuyền nhỏ đang bị xích chặt ở bến tàu. Ông dùng một quả lựu đạn phá đứt xích rồi cùng 5 thành viên trong toán trinh sát bắt đầu vượt sông Elbe sang bờ phía Đông. Trong khi đó, một thiếu tá Liên Xô và hai binh sĩ cũng tiến tới bờ sông để đón nhóm quân nhân Mỹ đang đến gần.
Cuộc hội ngộ của những người lính Xô - Mỹ là biểu tượng cho các nỗ lực của phe Đồng minh nhằm mục tiêu chiến thắng phát xít. Bằng việc hội quân tại sông Elbe, Hồng quân Liên Xô và quân đội Mỹ đã thành công trong việc chia cắt quân đội phát xít Đức thành hai phần, đưa cuộc chiến tranh đến gần ngày kết thúc hơn.
Ngày 2-5-1945, Hồng quân Liên Xô chiếm được Berlin. Đây là cột mốc quan trọng báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa phát xít ở châu Âu. Ngày 8-5, phát xít Đức tuyên bố đầu hàng quân đồng minh. Để có được chiến thắng đó, hàng chục triệu người đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần thân thể của mình, trong đó hy sinh và mất mát lớn nhất là nhân dân và Hồng quân Liên Xô.
Câu chuyện trên do hãng tin BBC kể lại chứng minh rằng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai có sự đóng góp rất lớn của quân đội và nhân dân Xô Viết. Thế nhưng sau khi Liên Xô tan rã, nhiều luồng dư luận phương Tây đã cố tình lờ đi vai trò của Liên Xô trong cuộc chiến đánh bại chủ nghĩa phát xít. Năm 2004, Anh, Pháp và Mỹ tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày quân đồng minh đổ bộ vào bờ biển Normandie của Pháp, chính thức mở mặt trận thứ hai từ phía Tây để tấn công phát xít Đức, mà dường như không đề cập đến vai trò của Liên Xô ở mặt trận phía Đông.
Thậm chí trong một số sách lịch sử và trang web về lịch sử chiến tranh thế giới thứ hai của phương Tây cũng không đưa vai trò của Liên Xô vào. Phát biểu tại buổi lễ đó, Tổng thống Nga V.Putin đã khẳng định ý nghĩa to lớn của cuộc đổ bộ vào Normandie nhưng ông cũng tuyên bố rằng nếu như cho rằng chỉ nhờ cuộc đổ bộ này mà chiến thắng được phát xít Đức là không đúng sự thật lịch sử.
Ông nhấn mạnh vai trò quan trọng và sự hy sinh rất lớn của nhân dân Liên Xô trong công cuộc giải phóng nhân loại khỏi thảm họa phát xít. Hồng quân Liên Xô đã giải phóng hàng loạt các nước Đông Âu khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức, đồng thời cứu sống hàng triệu người trong các trại tập trung của chúng, góp phần to lớn cùng quân đồng minh đánh bại hoàn toàn chủ nghĩa phát xít.
Nhà sử học Nga Lennor Olsztynsky vừa công bố một quyển sách về cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Đó là một cuộc bút chiến chống lại những luận điệu bóp méo sự thật và muốn thay đổi sự thật lịch sử. Vấn đề mở mặt trận thứ hai ở châu Âu là rất quan trọng về nguyên tắc.
Tại sao Mỹ và Anh chỉ mở mặt trận này vào năm 1944? Nói theo cách khác là Mỹ và Anh vạch kế hoạch hành động theo lợi ích kinh tế, quân sự chính trị của riêng mình chứ chưa hẳn thật sự vì cứu nhân loại. Olsztynsky cũng bác bỏ quan điểm phổ biến rằng Anh và Mỹ đã phá hủy guồng máy quân sự của phát xít như họ từng rêu rao.
Ông đã chỉ rõ những đóng góp của từng thành viên trong liên minh trong việc đánh bại lực lượng quân sự của kẻ thù, giải phóng các quốc gia khỏi ách chiếm đóng của phát xít và cùng đi đến chiến thắng 60 năm trước.
Trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai có từ 40 triệu đến 60 triệu người ngã xuống, trong đó riêng Liên Xô đã mất hơn 25 triệu người con của mình. Trên lãnh thổ nước Đức hiện có 3.600 nghĩa trang với 760.000 ngôi mộ của người Xô Viết. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Đức Peter Struck mới đây đã khẳng định ngày 8-5-1945 là ngày mà nước Đức được cứu khỏi bàn tay của chủ nghĩa phát xít, trong đó có công lao to lớn của nhân dân Xô Viết.
(Theo VnExpress, Novo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét