Tháng 1.2005, trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày quân đội Liên Xô giải phóng Trại Tập trung Ao-xvit (27.1.1945), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc An-nan cùng nhiều đại biểu đã lên tiếng kêu gọi loài người phải cảnh giác kịp thời vạch trần và tố cáo nạn diệt chủng. Báo chí nhiều nước đã nhắc lại một sự thật khó hiểu trong Đại chiến Thế giới lần thứ II là Chính phủ các nước Đồng minh phương Tây đã làm ngơ trước việc phát xít Đức giết hại hàng triệu người Do Thái trong các trại tập trung chúng lập ra ở Đông và Nam châu Âu. Sự khó hiểu đó là một trong những cái gọi là “Bí ẩn của Đại chiến II”, hiện đã được đưa ra ánh sáng.
Sau khi Đại
chiến II chấm dứt, các nhà sử học trên thế giới đã tranh luận rất nhiều về 2
vấn đề : các nước Anh, Mỹ có biết kế hoạch diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức hay không, và nếu biết thì tại
sao họ không ngăn chặn ? Chính quyền các nước phương Tây và một số nhà sử học
cho rằng phương Tây không hay biết gì về kế hoạch ấy và do đó không ngăn chặn
được. Ngược lại, một số nhà sử học cho rằng các nước phương Tây đã biết ý định
của phát xít Đức nhưng vì những lý do nào đấy họ đã làm như không biết gì cả.
Để cứu tính mạng
của người Do Thái, lẽ ra ngay từ đầu các nước
phương Tây đã phải tăng cường tiếp nhận người
Do Thái di cư lánh nạn trốn khỏi sự đàn áp
giết chóc của phát xít Hit-le, và khi biết chúng có kế hoạch diệt chủng toàn bộ
người Do Thái ở châu Âu, thì Chính phủ các
nước phương Tây phải lên tiếng phản đối. Chính vì họ không làm như vậy nên năm
1941 tổng số người Do Thái trên thế giới là
8,7 triệu người thì trong Đại chiến II đã có 5,8 triệu người bị phát xít Đức
giết chết.
Sách “Tập bản
đồ xung đột A Rập – It-xra-en”của Mac-tin Ghin-bơt in năm 1974 cho biết :
sau khi Hit-le lên cầm quyền ở Đức (năm 1933), hàng trăm nghìn người Do Thái ở châu Âu đã di cư về xứ Pa-le-xtin hồi ấy do
Anh uỷ trị, nơi đã có nhiều người A Rập và Do Thái
cùng sống chung từ mấy nghìn năm nay. Họ mua đất của người A Rập với giá cao để
định cư. Dòng người Do Thái đổ về Pa-le-xtin
ngày một tăng đã làm người A Rập tức giận tấn
công khủng bố họ. Chính quyền Anh đã hạn chế lượng người Do Thái di cư về đây. Năm 1939, Chính phủ Đức cho phép
250 nghìn người Do Thái sống ở Đức được di cư
ra nước ngoài, nhưng chính quyền Mỹ đã hạn chế số người Do Thái được nhập cư vào Mỹ. Năm 1940 Quốc hội Mỹ bác
bỏ Dự luật mở cửa bang A-la-xka cho người Do Thái
lánh nạn. Năm 1941, Mỹ thắt chặt hạn ngạch nhập cư người Do Thái; năm 1943 lại từ chối đề nghị của Thuỵ Điển
tiếp nhận 20 nghìn trẻ em Do Thái ở Đức di cư
sang Mỹ. Hậu quả là về sau, trong 3 triệu người Do Thái
sống ở Ba-lan thì 2,6 triệu người bị phát xít Đức giết ; Liên Xô (vùng Đức
chiếm) – có 2,5 triệu, bị giết 750 nghìn; Ru-ma-ni – 1 triệu, bị giết 750
nghìn; Hung-ga-ri – 710 nghìn, bị giết 402 nghìn người v.v...
Theo một dự luật
của Chính phủ Mỹ, ngày 26. 6. 2000, Viện Hồ sơ Quốc gia Mỹ công khai 400 nghìn
trang hồ sơ tình báo tuyệt mật của cơ quan tình báo Mỹ thu được trong Đại chiến
II. Qua các hồ sơ đó, dư luận vô cùng kinh ngạc khi được biết là các nước Anh,
Mỹ không những nắm được các thông tin về kế hoạch diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức, mà còn biết rất rõ mọi chi
tiết của kế hoạch này.
Mùa hè năm 1943,
quân đội Anh liên tục bắt và giải mã được một số bức điện của Sở Chỉ huy quân
đội Đức tại Rô-ma (I-ta-li-a) gửi về Bộ Chỉ huy Tối cao ở Bec-lin. Nội dung các
điện tuyệt mật này cho thấy : trong thời kỳ đầu chiến tranh, do trùm phát xít
I-ta-li-a là Mut-xô-li-ni không tuân theo chủ trương của Hit-le về vấn đề người
Do Thái, nên người Do Thái ở I-ta-li-a không bị xua đuổi giết hại. Tháng 7
năm 1943, Mut-xô-li-ni bị lật đổ, quân Đức chiếm miền Bắc I-ta-li-a. Hit-le ra
lệnh cho lực lượng xung kích SS của Đức phải bắt giam toàn bộ người Do Thái ở I-ta-li-a đưa về các trại tập trung ở Đông và
Nam Âu rồi “tiêu diệt về thể xác”. Nội dung các bức điện này như sau : -
từ ngày 6 tháng 10 tiến hành đăng ký danh sách tất cả 8000 người Do Thái ở Rô-ma, trong 10 ngày phải xong; - ngày 11
tháng 10, Bec-lin trắng trợn ra lệnh phải lập tức tiêu diệt sạch người Do Thái sống trên đất I-ta-li-a, vì nếu làm chậm thì họ
sẽ ẩn náu trong các gia đình người I-ta-li-a; - ngày 16 tháng 10, một bức điện
từ Rô-ma báo cáo Bec-lin là đã bắt giữ được 1200 người Do Thái; - ngày 20 tháng 10, lực lượng SS ở Rô-ma báo
cáo đã hoàn thành bắt giữ người Do Thái ở
I-ta-li-a và đưa về trại tập trung Ao-xvit ở Ba-lan ...
Sau này người ta
mới biết là khi Đại chiến II chấm dứt, toàn bộ thành phố Rô-ma chỉ còn lại vài
trăm người Do Thái thoát chết; trong số 120
nghìn người Do Thái ở I-ta-li-a có 9 nghìn
người đã bị phát xít Đức giết. Rõ ràng Hit-le đã tiến hành một cuộc diệt chủng
người Do Thái có tổ chức có kế hoạch mà không
vấp phải sự phản đối công khai từ chính phủ Đồng minh nào !
Các bức điện
được tình báo Anh giải mã đều lập tức chuyển đến lãnh đạo cấp cao của hai nước
Anh, Mỹ. Thế nhưng cho tới nay các nhà sử học vẫn chưa khẳng định Thủ tướng
Sooc-xin và Tổng thống Ru-dơ-ven đã đích thân đọc các bức điện ấy hay chưa,
song chắc chắn là các nhà lãnh đạo cấp cao khác của hai nước này không thể
không biết các bức điện đó. Đồng thời Anh, Mỹ còn có một nguồn thông tin quan
trọng nữa lấy từ tình báo viên cài trong các cơ quan của Đức. Một tình báo Anh
là cán bộ Bộ Ngoại giao Đức đã lợi dụng các chuyến đi công cán tại Thuỵ-sĩ
(nước trung lập) để gặp kín Đa-let trùm tình báo Mỹ thông báo các tin quan
trọng.
Các hồ sơ tuyệt
mật gần đây được chính quyền Mỹ công khai trước dư luận cho thấy Đa-let đã được
tình báo viên kể trên thông báo về kế hoạch của phát xít Đức dự định trong năm
1943 sẽ tiêu diệt hết người Do Thái ở
I-ta-li-a. Trên thực tế, ngay từ đầu năm 1943 Chính phủ Anh, Mỹ đã biết rõ sự
thật trong trại tập trung Ao-xvit, nhưng không hiểu tại sao họ vẫn im lặng.
Các tài liệu nói
trên cũng cho thấy, phương Tây làm ra vẻ không biết gì về chuyện phát xít Đức
diệt chủng người Do Thái là có 2 nguyên nhân :
- một là dùng để đổi lấy sự hợp tác về công nghệ của phát xít Đức; - hai là
để lên mặt đạo đức : tôi không ngăn chặn diệt chủng là do tôi không biết việc
đó.
Sau khi Đại
chiến II chấm dứt, đa số các nhà sử học do hâm mộ và kính trọng sâu sắc
Sooc-xin và Ru-dơ-ven nên không tin (hoặc không muốn tin) rằng hai lãnh tụ này
đã biết kế hoạch diệt chủng của Hit-le. Chẳng hạn, trong sách “Ao-xvit và
các nước Đồng minh”xuất bản năm 1981, nhà sử học người Anh Ma-tin Ghin-bơt
viết là đến mùa hè năm 1944, Sooc-xin và Ru-dơ-ven mới biết ít nhiều về việc
phát xít Đức tàn sát
hàng loạt người Do Thái.
Nhưng các hồ sơ
tuyệt mật mới công bố gần đây đã đập tan luận
điệu trên. Nhiều nhà sử học và chính khách đều bày tỏ sự tức giận và khó hiểu
đối với việc Chính phủ Anh, Mỹ bao năm nay che giấu sự thật lịch sử quan trọng
đó. Bà Ê-li-za-bet Hu-zman, cựu nghị sĩ và một trong những người dự thảo Dự
luật công khai tội phạm chiến tranh của Mỹ, từng chất vấn : “Việc bóc trần
sự thật sẽ đưa ra một câu hỏi về đạo đức : phải chăng sau khi chiến tranh chấm
dứt thì các nước Đồng minh bắt đầu bao che cho bọn tội phạm chiến tranh Quốc xã
?”
Dư luận thắc mắc
về việc Toà án Nu-rem-be không xử tử tướng SS Đức Cac Uôn-phơ – kẻ đã dồn hàng
chục nghìn người Do Thái ở I-ta-li-a vào các
trại tập trung để dùng hơi ngạt giết chết, thế mà năm 1949 hắn lại được trả tự
do, sống an nhàn ở Muyn-khen cho tới năm 1962 mới vào tù do bị tố cáo có liên
quan đến cái chết của 300 nghìn người Do Thái
trong trại tập trung Tre-blin-ka ở Ba-lan; sau đó hắn bị một toà án của Tây Đức
xử 15 năm tù. Các hồ sơ mới công bố gần đây cho thấy, sở dĩ Uôn-phơ không bị
trừng trị xứng đáng là do hắn có “quan hệ đặc biệt” với Đa-let, trùm
tình báo Mỹ dưới quyền tướng Ai-xen-hao, và do hắn là kẻ đã “có công”
thu xếp cho quân Đức đóng ở I-ta-li-a đầu hàng Đồng minh.
Các hồ sơ mật
mới công khai gần đây cho thấy, sau Đại chiến II, Mỹ và Anh có kế hoạch săn
lùng tìm bằng được các nhà khoa học Quốc xã Đức hàng đầu nhằm sử dụng vào việc
chế tạo các vũ khí mới chống lại Liên Xô, – trong việc này họ cần sự giúp sức
của các sĩ quan SS hoặc Ghet-xta-pô Đức. Thậm chí Mỹ và Anh còn giúp một số
quan chức phát xít Đức từng giết hại nhiều thường dân các nước trốn sang Nam Mỹ
để đổi lấy sự hợp tác của chúng. Sau này, vào thập kỷ 80, người ta đã phát hiện
và bắt giữ một số tên Quốc xã Đức trốn tránh ở Nam Mỹ.
Trước sự thật
nói trên, các nhà sử học cho rằng nên viết lại lịch sử đoạn nói về “các nhà
lãnh đạo Đồng minh không biết gì về vụ diệt chủng lớn trong Đại chiến II”.
Một số nhà sử học cấp tiến cho rằng Sooc-xin và Ru-dơ-ven phải chịu trách nhiệm
về đạo đức đối với những người Do Thái bị phát
xít Đức tàn sát.
Một chuyên gia của Viện Hồ sơ Quốc gia Mỹ nói : “Nếu ngày ấy chỉ cần
Sooc-xin hoặc Ru-dơ-ven ra một tuyên bố công khai thì đã có thể cứu sống hàng
chục nghìn người Do Thái ở I-ta-li-a, hoặc ít
nhất cũng có thể nhắc nhở người Do Thái ở đấy
cảnh giác trốn khỏi tay bon phát xít Đức. Thế nhưng hai vị lãnh đạo nổi tiếng
này đã chọn cách im lặng. Họ làm thế là để không gây phương hại đến hoạt động
giải mã của tình báo Anh, Mỹ (tránh để Đức biết Đồng minh đã nắm được mật mã
của Đức).”
Ngoài ra, hồ sơ
mật mới ra công khai còn cho biết, Thủ tướng Anh Sooc-xin thoạt đầu có ý định
tốt. Ông từng trao đổi với Ngoại trưởng Anh I-đơn (Anthony Eden) xem có nên ra
một tuyên bố lên án hành động diệt chủng của phát xít Đức hay không, nhưng
I-đơn kịch liệt phản đối, với lý do có ra tuyên bố thì cũng chẳng ngăn cản được
Hit-le, và cũng không có lợi cho việc chiến thắng phát xít Đức. Sooc-xin đã
nghe theo I-đơn. Đây là một sai lầm của Thủ tướng Anh.
Việc Chính phủ
Anh và Mỹ chậm công bố các hồ sơ mật của Đại chiến II đã bị các nhà sử học phê
phán. Mọi người đều biết, với lý do “an ninh quốc gia”, hai nước này đã
trì hoãn mãi việc công bố các tài liệu tình báo mật nói trên. Dư luận ngờ rằng
họ làm thế là để bảo vệ hình ảnh các nhà lãnh đạo hai nước ấy, và để trốn trách
nhiệm đối với tội ác diệt chủng của phát xít Đức.
Ngày nay, các
nước lớn vì quyền lợi ích kỷ của họ đã làm ngơ hoặc nhẹ tay trước tội ác diệt
chủng của bọn Pôn-pốt ở Căm-pu-chia trong thập kỷ 70. Cho tới nay, dù Pôn-pôt
chết đã khá lâu nhưng tội ác tiêu diệt 2 triệu đồng loại của hắn và đồng bọn
vẫn chưa được đưa ra Toà án công lý xét xử. Đây cũng là một thí dụ nữa cho thấy
nhân dân các nước phải tự mình mạnh dạn đấu tranh vạch trần tội ác diệt chủng
chứ không thể trông chờ “lòng tốt” của các nước lớn.
Nguyễn Hải Hoành
Tài liệu tham
khảo :
1) The Dent
Atlas of the Arab – Israeli Conflict (Martin Gilbert, 1993, Oxford);
2) The Decision Secrets of the Second World War.
2) The Decision Secrets of the Second World War.
Tiết lộ sự thờ ơ trước tội
ác diệt chủng người Do Thái
Trước khi Chiến tranh thế
giới thứ hai nổ ra, cả châu Âu đều hiểu rằng: "Người đứng đầu Đức Quốc xã
Hitler là một kẻ có tư tưởng bài Do Thái rất quyết liệt và cực đoan".
Trong cuốn sách được xuất bản của Hitler vào năm 1925 mang tên "Sự
phấn đấu của tôi", Hitler có đề cập kế hoạch dùng xe hơi ngạt và thuốc độc
để tàn sát người Do Thái. Nhưng tất cả những kế hoạch tàn độc đó của Adolf
Hitler đã không "chạm" được tới lòng "trắc ẩn" đối với giới
chức Anh và Mỹ, thay vào đó chỉ là thái độ thờ ơ của
Tàn sát ghê rợn
Năm 1941, những cuộc đồ sát người Do
Thái được đẩy lên đỉnh điểm thành "Đại diệt chủng người Do Thái". Lúc
này, Hitler đã đặt phương châm cho kế hoạch tàn sát này của mình là: "Giết
sạch không ghê tay". Trong năm này, sau khi chiếm đóng Belarus , Đức Quốc xã đã sử dụng các bệnh nhân
tâm thần trong các bệnh viện ở Minsk
làm vật thí nghiệm. Lúc đầu, những người này bị buộc đứng sát nhau theo hàng
dọc để bị giết bằng cách bắn xâu chuỗi, nhưng quân Đức lúc đó cho rằng, phương
pháp này là quá chậm. Rồi chất nổ được sử dụng, nhưng số người chết không nhiều
trong khi nhiều người khác chỉ bị mất tay và chân. Sau cùng, người Đức chọn
cách dùng súng máy để giết hết số bệnh nhân tâm thần này.
Tháng 10/1941, tại Mogilev , Đức Quốc xã thử nghiệm một loại hình
khác mang tên Gaswagen, tức xe hơi ngạt. Đầu tiên, họ sử dụng một xe quân sự
hạng nhẹ, nhưng phải mất 30 phút mới giết chết nạn nhân; kế đó, họ dùng một xe
tải lớn hơn, nhét đầy người vào trong và chỉ cần 8 phút để kết thúc mạng sống
tất cả người trong xe. Tiếp sau đó, các cuộc tàn sát được tiến hành có hệ thống
trên toàn bộ lãnh thổ bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Tại 35 quốc gia ở châu Âu có
người Do Thái và những nạn nhân khác bị bắt và đưa đến các trại lao động tại
một số nước, cho đến các trại hành quyết tại những nơi khác. Những vụ hành
quyết tập thể xảy ra nhiều nhất tại Đông Âu và Trung Âu. Năm 1941, trong số hơn
7 triệu người Do Thái thiệt mạng, có khoảng 5 triệu người bị giết tại đây,
trong đó có 3 triệu người chết ở Ba Lan và hơn 1 triệu người chết ở Liên Xô.
Hàng trăm ngàn người khác bị giết ở Hà Lan, Pháp, Bỉ , Nam
Tư và Hi Lạp...
Không phải việc của
mình...
Để phát động cuộc “đại diệt chủng”
trên quy mô toàn châu Âu, Hitler thường sử dụng những mật mã riêng để truyền
mệnh lệnh tới các nước bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Thường thì Hitler hay sử dụng
sóng vô tuyến điện để ra lệnh và nắm bắt tình hình cho kế hoạch man rợ của mình
trên khắp lãnh thổ châu Âu. Tuy nhiên, tất cả những tần sóng này của Đức Quốc
xã đều bị một cơ quan tình báo của Anh khi đó bắt được sóng và giải mã. Trong
năm 1941, tất cả những tài liệu liên quan đến cuộc đại diệt chủng do Hitler
phát động đều được đặt lên bàn của Thủ tướng Anh khi đó là ông Winston
Churchill.
Cuối tháng 7/ 1941, trong một bài
phát biểu trên đài phát thanh, sau khi ca ngợi một số thành tựu của Hồng quân
Liên Xô, Thủ tướng Anh Winston Churchill đã nói một vài câu mang tính cảnh giác
tới quần chúng: “Lực lượng cảnh sát của Đức đã nhẫn tâm giết chết hàng chục
nghìn người dân vô tội. Đây là tội ác dã man nhất kể từ khi dân Mông Cổ quét
qua châu Âu vào thế kỷ thứ 13”.
Mặc dù trong vài lời phát biểu ngắn
ngủi của mình, Thủ tướng Winston Churchill đã không hề nhắc tới con số chính
xác những người bị giết hại, thậm chí ông cũng không nói tới 3 chữ “Người Do
thái”. Tuy nhiên, sự đánh động này của Winston Churchill đã làm cho cơ quan
tình báo của Anh khi đó đã phải giật mình. Theo đánh giá của người đứng đầu cơ
quan tình báo Anh thì “Không hiểu ngài Thủ tướng này muốn cái gì?”. Tất cả
những thông tin tình báo mà Anh giải mã được từ Đức Quốc xã không chỉ liên quan
tới việc tàn sát người Do Thái mà còn rất nhiều tin quan trọng khác ảnh hưởng
trực tiếp cục diện của cuộc chiến. Đó là những thông tin tuyệt mật và “bất khả
lộ”. Đối diện với sự phẫn nộ không bằng lòng từ các nhân viên tình báo, Thủ
tướng Winston Churchill đã phải nhượng bộ và từ đó tất cả những thông tin liên
quan tới việc thảm sát người Do Thái đều không được nhắc tới.
Sau đó, một loạt những hoạt động
tuyên truyền nhằm trấn an các phương tiện truyền thông ở nước Anh cũng được
thực hiện. Những người đứng đầu Chính phủ Anh khi đó chỉ ra rằng: “Việc thông
báo những con số về thảm hoạ diệt chủng mà Đức Quốc xã đang tiến hành không đem
lại tác dụng gì cho nước Anh, và nếu có nói thì người dân cũng không tin. Vì
thế tốt nhất là không nên bình luận gì”(!?).
Không những vậy, vào năm 1942, Bộ
Ngoại giao Anh đã tỏ một thái độ “cực kỳ lãnh đạm” đối với việc đề nghị giải
cứu người Do Thái từ yêu cầu của đại sứ quán Bungari. Lúc này, sứ quán Bungari
muốn Anh cấp thị thực cho 7 vạn người Bungari gốc Do Thái nhập cảnh vào nước
này tránh các vụ thảm sát, tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Anh khi đó đã gửi
một bức điện tín với chỉ 2 chữ: “Quá đáng”. Sau đó, vị bộ trưởng này đã tìm đủ
mọi lý do để trì hoãn việc giúp đỡ này. Và đương nhiên, những thông tin này
cũng chỉ mang tính chất nội bộ.
Còn đối với Mỹ, những thông tin liên
quan đến các vụ tàn sát người Do Thái thỉnh thoảng mới được đề cập tới với
những nội dung cực kỳ ngắn gọn và đơn giản. Trên báo chí của Mỹ khi đó, người
ta thường “lái” độc giả sang những nội dung đáng quan tâm khác hơn là vụ thảm
sát không phải... ở nước Mỹ. Nếu như có những báo nào đề cập hơi quá tới vụ
thảm sát Holucaust (tên gọi về cuộc diệt chủng 6 triệu người Do Thái của phát
xít Đức) thì chủ biên của tờ báo đó cần phải “xem xét lại trình độ”. Và đối với
Chính phủ Mỹ, họ coi đó như “không phải việc của mình”.
Liệu có làm ngơ trước tội
ác diệt chủng?
Theo như quan điểm của những người
đứng đầu Chính phủ Mỹ khi đó: “Việc nhúng tay quá sâu vào vụ thảm sát Holucaust
đối với người Do Thái chỉ mang lại nguy hiểm cho nước Mỹ”. Nó có thể gây nên sự
báo thù điên rồ từ phía Đức Quốc xã, kết quả sẽ là “sự bất lợi lớn đối với trục
liên minh quân sự có sự tham gia của Mỹ”. Vì thế tại thời điểm đó, Mỹ coi vụ
thảm sát Holucaust như là một thảm kịch "không thể tránh khỏi" và tốt
nhất là không nên nhắc tới nó để tránh một thảm kịch mới rất dễ có thể xảy
ra(!?).
Sau khi Chiến tranh thế
giới thứ hai kết thúc, nhiều nhà sử học đã tranh luận rất nhiều về 2 vấn đề:
Các nước Anh, Mỹ có biết kế hoạch diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức hay
không, và nếu biết thì tại sao họ không ngăn chặn? Sau khi có được câu trả lời,
những chuyên gia này lại đều cùng chung một nhận định rằng: “Các nước lớn vì
quyền lợi ích kỷ của họ đã làm ngơ hoặc nhẹ tay trước tội ác diệt chủng. Vì thế
nhân dân các nước phải tự mình mạnh dạn đấu tranh vạch trần tội ác diệt chủng
chứ không thể trông chờ lòng tốt từ các nước này”.
http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=8038&lang=vn&zone=9&zoneparent=0
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét