Chào mừng đến với Blogger !!!

30 tháng 5, 2012

TRẬT TỰ NÀO CHO THẾ KỶ NÀY?


Hà Mỹ Hương *
Thế kỷ XX đã khép lại cùng với vô vàn những biến động dữ dội và phức tạp, phản ánh những thăng trầm, biến thiên của lịch sử thế giới và trong quan hệ giữa các quốc gia - dân tộc trên hành tinh này. Sau khi "chiến tranh lạnh" kết thúc, biết bao người đã từng hy vọng vào một thế giới tương lai hoà bình, ổn định, an ninh và dân chủ hơn. Thực tế cũng đã và đang tồn tại những tiền đề khách quan cho những hy vọng đó. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ tiếp tục có những bước phát triển vượt bậc với những thành tựu kỳ diệu. Các tổ chức liên kết quốc tế mở rộng địa bàn và lĩnh vực hoạt động, thu hút hầu hết các nước lớn nhỏ tham gia. Sự kết thúc chiến tranh lạnh và trật tự thế giới đối đầu hai cực cũng góp phần nhất định trong việc làm cho xu thế hợp tác để phát triển trở thành xu thế lớn của thế giới ngày nay. Toàn cầu hoá trở thành xu thế vận động khách quan của thời đại, làm gia tăng rõ rệt tính tuỳ thuộc lẫn nhau giữa các nước trong cộng đồng thế giới. Nhìn chung, các nước đều điều chỉnh quan hệ đối ngoại theo hướng đa dạng hoá, đa phương hoá nhằm giành cơ hội thuận lợi để phát triển đất nước và xác lập vị trí tốt nhất trong trật tự thế giới mới đang hình thành.
Tuy nhiên, tình hình thế giới sau "chiến tranh lạnh" vẫn diễn biến rất phức tạp. Hệ thống các quan hệ quốc tế (QHQT) có những đảo lộn, biến chuyển sâu sắc. Một học giả Mỹ nhận xét : "Điều hiển nhiên là "chiến tranh lạnh" đã kết thúc, song chúng ta đứng trước không phải là "một trật tự thế giới mới", mà là một hành tinh đầy nhiễu nhương và tan tác"(1). Hơn 10 năm sau khi "chiến tranh lạnh" kết thúc, nhận xét này tỏ ra vẫn đúng ở nhiều khu vực, đặc biệt ở Trung Đông và Tây-Nam Á. Các nước tư bản phát triển do Mỹ cầm đầu, không những đang ra sức tận dụng những biến đổi của trật tự thế giới và những lợi thế của mình để củng cố vị thế của họ trong tương quan lực lượng trên bàn cờ chính trị - kinh tế - an ninh thế giới, mà còn muốn áp đặt ý chí, luật lệ và giá trị của mình lên các nước khác. Trật tự nào cho thế giới sau cục diện đối đầu hai cực tan rã vẫn là câu hỏi khó lý giải. Nhìn lại những tranh luận giữa các lý luận gia QHQT cũng như thực tiễn đời sống QHQT trong suốt thập niên cuối cùng của thế kỷ qua và cho đến hôm nay, có thể thấy ít nhất hai loại quan điểm, hai cách nhìn nhận khác nhau xung quanh vấn đề này : quan điểm về trật tự thế giới đa cực và quan điểm về trật tự thế giới đơn cực.
Trật tự thế giới đa cực là gì ?
Trật tự thế giới đa cực, theo các nhà nghiên cứu phương Tây, là một hệ thống trong đó có một số nước, một số trung tâm sức mạnh hoạt động tương tác, khuếch trương, khuếch tán ảnh hưởng và cùng quản lý, cùng giải quyết các công việc quốc tế. Rất nhiều nhà nghiên cứu, chính trị, hoạt động quốc gia trên thế giới ủng hộ việc thiết lập trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm thay cho trật tự hai cực đã tan rã và đưa ra nhiều phương án, nhiều sơ đồ khác nhau về "cấu trúc hình học" của hệ thống các QHQT trong tương lai (gần hoặc xa). Xin nêu ra một số sơ đồ "có đường nét" trong số đó :
Sơ đồ thế giới 6 cực được H. Kit-xinh-giơ (cựu Bộ trưởng Ngoại giao, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ) trình bày trong Chương I "Trật tự thế giới mới" ở cuốn "Nền ngoại giao" xuất bản năm 1994 như sau : "Hệ thống các QHQT thế kỷ XXI sẽ bao gồm ít nhất 6 thành viên quan trọng nhất là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, trong đó cực châu Âu bao gồm một số nước. Ngoài ra một số nước vừa và nhỏ khác cũng có thể trở thành các cực của hệ thống QHQT tương lai đó"(2). Song, H. Kit-xinh-giơ cũng cho rằng hiện nay không có nước lớn nào trên thế giới - những nước sẽ phải xây dựng trật tự thế giới mới - có được một chút kinh nghiệm nhỏ cho việc tồn tại trong hệ thống đa cực, đa quốc gia rất đặc thù cả về tính chất và quy mô như hệ thống đang được hình thành sau chiến tranh lạnh.
Thế giới 7 nền văn minh xung đột với nhau là quan điểm của S.Hăn-tinh-tơn được thể hiện trong cuốn "Sự xung đột của các nền văn minh" xuất bản năm 1996. Bảy nền văn minh đó là : Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, đạo Hồi, đạo Chính thống, Mỹ La-tinh và châu Phi. S. Hăn-tinh-tơn nhìn thấy ở đó nguồn gốc của các xung đột trong QHQT tương lai, cũng như những tiền đề thực tế để hình thành các trung tâm sức mạnh, các cực ảnh hưởng mới trên trường quốc tế, và chúng tất yếu xung khắc, đối chọi với nhau. Còn khi nói về hệ thống QHQT "sau Liên Xô", thì trong một bài báo đăng trên tờ "Foreign Affairs" tháng 3-4-1999, S. Hăn-tinh-tơn cho rằng đó là một hệ thống lai tạp giữa tính một cực và tính đa cực, nghĩa là một trật tự thế giới chưa rõ hình thù.
Mô hình thế giới 3 cực do Ch. Cắp-san, giáo sư Trường đại học Tổng hợp Gióoc-giơ-tao (Mỹ) đưa ra. Ba cực đó là : Bắc Mỹ do Mỹ đứng đầu, châu Âu với các nước dẫn đầu là Đức và Pháp, Đông Á do Trung Quốc và Nhật Bản đứng đầu. Ch. Cắp-san xác định mô hình này là mô hình "tính một cực khu vực". Ông cho rằng trong khuôn khổ một cực khu vực, tất cả các thành viên của nó, kể cả nước dẫn đầu sẽ phải phối hợp chính sách đối ngoại với nhau, và điều này sẽ không cho phép bất cứ nước nào trong số những nước dẫn đầu khu vực trở thành nước bá quyền, phá hoại sự đồng thuận chính trị và thi hành chính sách không ai kiểm soát được. Như vậy, Ch. Cắp-san đã sử dụng ý tưởng xây dựng một số cực sức mạnh thay vì một cực, song vẫn duy trì cả ý tưởng cần củng cố khối NATO lẫn ý tưởng Mỹ kiểm soát các quá trình đang diễn ra trên thế giới và ý tưởng trung lập hoá nước Nga ngay cả ở cấp khu vực.
Thế giới của các vòng tròn đồng tâm là quan điểm của các nhà lý luận thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia Mỹ. Theo họ, các QHQT tương lai sẽ được xây dựng theo cấu trúc như sau:
Vòng tròn ở tâm, hạt nhân của hệ thống các QHQT hiện đại là "các quốc gia nòng cốt", những quốc gia đại diện cho "các xã hội dân chủ phát triển cao", "các nền dân chủ thịnh vượng" mà Mỹ là nước đứng đầu, hay là "hạt nhân của hạt nhân". Đó là các nước EU và Nhật Bản, những nước chỉ chiếm 1/5 dân số thế giới, nhưng chiếm tới 4/5 tiềm lực kinh tế thế giới, là những nước có thể chia sẻ với Mỹ gánh nặng của việc củng cố và mở rộng "khu vực nòng cốt".
Vành khuyên thứ nhất tiếp giáp với "hạt nhân" là các nước được gọi là "các quốc gia chuyển đổi". Đó là các nước Đông Âu, Mỹ La-tinh và Đông-Nam Á. Tuy ở Trung Quốc, Nga và Ấn Độ cũng đang diễn ra "quá trình chuyển đổi", nhưng các nước này chưa được xếp vào vào vị trí "các quốc gia chuyển đổi".
Vành khuyên thứ hai là các nước bị coi như "các quốc gia nổi loạn", tức là "những nước phủ nhận vai trò chủ đạo của các nước nòng cốt, và khi có phương tiện và khả năng là sẵn sàng xâm hại lợi ích của Mỹ và các quốc gia nòng cốt"(3) I-rắc, I-ran, Li-bi, Nam Tư, Bắc Triều Tiên, Cu-ba là những nước như vậy.
Vành khuyên ngoài cùng của mô hình trên thuộc về những nước được gọi là "các nước thất bại", những nước mà giới cầm quyền ở đó không có khả năng thiết lập trên lãnh thổ của đất nước mình dù chỉ một cái gì đó na ná như trật tự xã hội cũng như không thể bảo đảm những nhu cầu sơ đẳng nhất cho công dân của mình. Xô-ma-li, Ru-an-đa, Li-bê-ri-a, Xi-ê-ra Lê-ôn và một loạt nước khác (không chỉ ở châu Phi) thuộc vào hàng "các nước thât bại" đó.
Một số mô hình "trật tự thế giới đa cực" trên đây tuy có những điểm khác nhau cả về hình thức lẫn nội dung, đều xuất phát từ việc thừa nhận khả năng xuất hiện các cực hay các trung tâm sức mạnh, trung tâm ảnh hưởng trên trường quốc tế, trong đó có những cực có thể thực hiện chính sách không phụ thuộc vào Mỹ và các đồng minh thuộc "nền văn minh phương Tây" của Mỹ. Nhìn chung, những mô hình trật tự đa cực này có không ít khiếm khuyết, ít nhiều mang tính chất chủ quan và chịu ảnh hưởng của thế giới quan Phương Tây. Họ đặt trọng tâm của hệ thống vào Mỹ, vào các nước tư bản chủ nghĩa phát triển hay các nước lớn. Vị trí của các nước vừa và nhỏ, các nước đang phát triển chưa được xác định hoặc xác định không đúng chỗ trong các trật tự đa cực nêu trên, trong khi tỷ trọng và vai trò của những nước này đã tăng lên đáng kể trong cục diện thế giới sau chiến tranh lạnh. Đặc biệt, các chủ thể QHQT như các nước xã hội chủ nghĩa hay các tổ chức phi chính phủ, các công ty xuyên quốc gia, ... chẳng hề được đề cập tới trong các mô hình trật tự đa cực nêu trên, trong khi đời sống chính trị thế giới đã, đang và sẽ còn chịu ảnh hưởng rất lớn của các chủ thể này. Ngoài ra, các tác giả của những mô hình đa cực nói trên chưa đưa ra những điều kiện hay biện pháp khả thi để thiết lập các mô hình đó trên thực tế. Đó là chưa nói đến những mô hình đa cực song thực chất chỉ là biến thể của mô hình đơn cực mà thôi, mà mô hình do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia Mỹ đưa ra là một ví dụ điển hình.
"Thế giới các vòng tròn đồng tâm", hay "Trật tự thế giới đơn cực" ?
Mô hình các QHQT tương lai "Thế giới các vòng tròn đồng tâm" về thực chất chẳng khác mấy mô hình trật tự thế giới đơn cực hay trật tự thế giới đa trung tâm mà Mỹ luôn luôn ở đỉnh chóp, là trật tự mà giới cầm quyền Mỹ và các chính trị gia đồng quan điểm đã và đang ra sức cổ xuý và cố gắng thực hiện. Họ đưa ra nhiều lập luận, nhiều lý lẽ để chứng minh rằng thế giới sau chiến tranh lạnh đang vận hành dưới sự điều khiển, "lãnh đạo" của Mỹ. Z. Brê-din-xki sau khi nhận định rằng Mỹ đang ở "vị trí tối cao" trên bốn lĩnh vực quyền lực thế giới (quân sự, kinh tế, công nghệ, văn hoá), đã khẳng định rằng : "Quyền lực toàn cầu của Mỹ được thực hiện thông qua hệ thống toàn cầu của mô hình đặc biệt kiểu Mỹ, phản ánh kinh nghiệm trong nước của Mỹ"(4). Ông ta rất tán thưởng lời khẳng định của Hăn-tinh-tơn : "Một thế giới không có Mỹ đứng đầu sẽ là một thế giới đầy bạo động và lộn xộn, ít dân chủ và ít tăng trưởng kinh tế hơn là một thế giới mà ở đó Mỹ tiếp tục có nhiều ảnh hưởng hơn bất kỳ nước nào khác trong việc định hình công việc thế giới. Giữ vững quyền đứng đầu thế giới của Mỹ là chính yếu đối với phúc lợi và an ninh của Mỹ và tương lai của tự do, dân chủ kinh tế mở cửa và trật tự quốc tế của thế giới này"(5).
Nhưng những tài liệu đáng chú ý nhất, thể hiện quan điểm chính thống và công khai về vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ là các bản "Chiến lược an ninh quốc gia" được Tổng thống Mỹ công bố, điều chỉnh hằng năm. Mục tiêu xuyên suốt, không thay đổi trong tất cả các chiến lược toàn cầu sau chiến tranh lạnh của Mỹ là duy trì, củng cố vị thế siêu cường thế giới duy nhất và vai trò lãnh đạo, bá chủ thế giới của mình. Giới cầm quyền Mỹ và các lý luận gia đồng quan điểm luôn khẳng định rằng Mỹ có quyền và có khả năng thực hiện vai trò lãnh đạo thế giới. Chiến lược an ninh quốc gia công bố năm 1998 ghi : "Địa vị lãnh đạo của Mỹ là nhân tố quyết định trong việc ký kết một loạt hiệp định làm cho thế giới trở nên ổn định và an ninh hơn ... Không có được địa vị lãnh đạo và sự tham gia của chúng ta thì nguy cơ sẽ nhân lên, còn khả năng của chúng ta sẽ giảm đi. Sức mạnh của các tư tưởng và giá trị tự do là cơ sở cho địa vị lãnh đạo thế giới của Mỹ"(6). Còn "Chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ mới" công bố tháng 12-1999 kết luận : "Kỷ nguyên đương đại đã được định hình do sự lãnh đạo kiên định của Mỹ hơn nửa thế kỷ qua - bằng các nỗ lực như kế hoạch Mac-san, NATO, các quan hệ an ninh ở châu Á, Liên hợp quốc, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới ... Suy cho cùng, sự lãnh đạo quốc tế của chúng ta được xác lập dựa trên sức mạnh của các lý tưởng và giá trị dân chủ"(7) v.v..
Khi phô trương tính không thể thay thế của Mỹ trong nền chính trị- an ninh thế giới, chính giới Mỹ cũng như các lý luận gia đồng quan điểm hướng tới mục tiêu củng cố vị thế siêu cường thế giới, đặc biệt là mục tiêu đáp ứng tối đa lợi ích quốc gia của Mỹ. Cũng cần nói thêm là những năm gần đây, họ nói nhiều hơn về "một trật tự thế giới công bằng" trong tương lai, về bước chuyển của cộng đồng quốc tế sang mô hình phát triển bền vững, về sự cần thiết phải tôn trọng quyền con người ở khắp nơi trên trái đất này, v.v.. Đặc biệt, sau sự kiện 11-9, động thái đối ngoại của Mỹ có những điều chỉnh theo hướng có vẻ mềm dẻo hơn. Vậy phải chăng chính giới Mỹ đã thay đổi quan điểm, thật sự mong muốn cùng cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng, hợp lý, tạo điều kiện và cơ hội cho mọi người, mọi quốc gia - dân tộc lớn nhỏ, mạnh yếu, khác biệt trong đa dạng bản sắc văn hoá dân tộc và ngôn ngữ, cùng phát triển ?
Có thể dễ dàng đưa ra những bằng chứng cho câu trả lời phủ định. Trong hoạt động đối ngoại của các chính quyền Mỹ sau chiến tranh lạnh, có quá nhiều những biểu hiện của chính sách cường quyền, bá quyền, chính sách dùng vũ lực để thiết lập "Pax Americana" (Hoà bình kiểu Mỹ), để áp đặt luật lệ, chuẩn tắc, giá trị Mỹ lên các nước khác. Thái độ ngạo mạn của Mỹ thể hiện trong nhiều công việc quốc tế, như rút khỏi Nghị định thư Ky-ô-tô, Hiệp ước về hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo (ABM) ; không phê chuẩn Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT), thậm chí mới đây còn công khai tuyên bố sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân, v.v.. Chính sách đối ngoại cường quyền của Mỹ không chỉ thể hiện trong quan hệ với những nước mà Mỹ cho là "Nhà nước cứng đầu" như I-rắc, Nam Tư, mà còn với cả những nước lớn trong cộng đồng quốc tế. Có thể nói chưa bao giờ vai trò "sen đầm quốc tế" của Mỹ thể hiện rõ nét như thời kỳ từ sau khi Liên Xô tan rã. Dường như các nhà tư tưởng, nhà chính trị thực tiễn Mỹ chẳng mấy bận tâm đến phản ứng của cộng đồng quốc tế trước nhiều hành động ngang ngược của Mỹ trên trường quốc tế. Người ta những tưởng sau sự kiện 11-9, giới cầm quyền Mỹ sẽ phải xem xét lại một cách nghiêm túc chính sách đối ngoại gây quá nhiều bất bình cho cộng đồng quốc tế. Nhưng đã bốn tháng sau sự kiện này, thực tế không có thay đổi cơ bản nào trong chính sách đối ngoại của Mỹ, nó chỉ được điều chỉnh theo hướng thực dụng hơn, tinh vi hơn. Vẫn như trước đây, giới cầm quyền Mỹ luôn sử dụng sức mạnh của Mỹ, lợi thế của Mỹ làm biến dạng các QHQT, thiết lập trật tự thế giới phục vụ cho lợi ích của Mỹ, của một số lượng nhỏ các quốc gia đồng minh thân cận đang được hưởng những điều kiện thuận lợi. Do vậy, chiến lược toàn cầu sau chiến tranh lạnh của Mỹ chẳng những không làm cho thế giới trở nên ổn định, an ninh và dân chủ hơn, mà còn làm cho tình hình thế giới phức tạp hơn, căng thẳng hơn, làm trầm trọng thêm các nguy cơ bùng phát xung đột và chạy đua vũ trang ở các nước, các khu vực khác nhau.
Nhiều nước phản đối trật tự thế giới bá quyền của Mỹ, song chưa hẳn đã đồng tình, ủng hộ các mô hình trật tự đa cực được nêu ở trên. Không riêng gì Việt Nam, mà nhiều nước lớn nhỏ khác trong cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận trật tự thế giới do một nước hoặc một nhóm nước thao túng phục vụ cho lợi ích của họ, bất chấp lợi ích chính đáng của các nước khác, hơn thế nữa, còn bắt thế giới quy phục họ, tuân theo quy tắc hành xử của họ. Chúng ta cũng không thể chấp nhận cách nhìn nhận về các nước đang phát triển như của nhóm tác giả "Thế giới các vòng tròn đồng tâm" bởi thái độ kẻ cả, trịch thượng của kẻ mạnh biểu hiện trong đó, nhất là bởi cung cách đối xử với những nước này trong thực tiễn quan hệ đối ngoại của "các nền văn minh có trọng trách". Chúng ta hợp tác và đấu tranh cho một trật tự thế giới công bằng, dân chủ, tạo điều kiện và cơ hội cho mọi quốc gia - dân tộc lớn nhỏ, mạnh yếu cùng phát triển, cùng được tôn trọng. Song do tác động của các nhân tố chủ quan và khách quan hiện nay trên trường quốc tế, một trật tự đa cực như vậy chưa thể sớm được xác lập. Nó đòi hỏi một quá trình hợp tác và đấu tranh lâu dài, gian khổ của tất cả các nước, trước hết là các nước đang phát triển ./.

* TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(1) Pôn Ken-nơ-đi, Chuẩn bị cho thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, tr. 500
(2) Dẫn theo bản dịch của Tạp chí Mỹ-Kinh tế, chính trị,tư tưởng, số 6-1997, tr 106 (Tiếng Nga)
(3) Khozin G. Toàn cầu hoá các QHQT: Xu thế khách quan hay là chiến lược của Mỹ. T/c Mỹ và Ca-na-đa -Kinh tế, chính trị, văn hoá, số 1-2000, tr 74 (Tiếng Nga)
(4) Z. Brzezinski, Bàn cờ lớn, Nxb Chính trị quốc gia,H. 1999, tr. 30
(5) Z. Brzezinski, Sđd, tr 38-39
(6) Tài liệu tham khảo, Thông tấn xã Việt Nam, số 4-1999, tr.9
(7) Văn phòng Nhà Trắng, Chiến lược an ninh quốc gia cho thế kỷ mới, Nhà Trắng tháng 12-1999, tr. 34
http://203.162.0.19:8080/show_content.pl?topic=5&ID=334

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét