Chào mừng đến với Blogger !!!

16 tháng 5, 2012

ĐÓNG GÓP CỦA HỒ CHÍ MINH GĐ 1930-1941



A.  ĐẶC VẤN ĐỀ
Khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 24 tại Paris (20/10 – 20/11/1987) đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”, vào năm 1990. Người đã gắn bó cả cuộc đời mình với sự với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, “ Tôi hiến dâng cả cuộc đời tôi cho dân tộc tôi ”. Xuất phát từ tình yêu nước thương dân cao cả, thiêng liêng vô bờ bến, Người đã ra đi tìm đường cứu nước với hành trang là những khát khao cống hiến cho dân tộc với những hoài bảo, ước vọng lớn lao cứu dân, cứu nước, giải phóng con người thoát khỏi ách áp bức bóc lột. Sau bao năm vất vã bôn ba giữa đất khách quê người cuối cùng Người đã tìm thấy được con đường giải dân tộc, Người đến với chủ nghĩa Mác – Lênin trong một lần tình cờ như là tất yếu của lịch sử. Người khẳng định cách mạng Việt Nam muốn thành công thì không có con đường nào khác bằng con đường cách mạng vô sản.
Việc tìm ra con đường cứu nước và góp phần chuẩn bị cũng như với vai trò là chủ trì hội nghị sáng lập Đảng cộng Sản Việt Nam, là một đóng góp to lớn, một công lao vĩ đại của Bác đối với cách mạng Việt Nam. Con đường ấy không chỉ mở toan cánh cửa, sau sự khủng hoảng về tư tưởng, đường lối, khuynh hướng cứu nước dưới ngọn cờ của chế độ phong kiến và ngọn cờ dân chủ tư sản bị thất bại trước đó. Đã mỡ ra một con đường mới để toàn nhân dân và dân tộc Việt Nam đi theo đã đưa nước ta giành thắng lợi hoàn toàn trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp vá chống Mỹ cứu nước. Con đường ấy thể hiện các giá trị chân lí của thời đại, phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể của cách mạng Việt Nam, góp phần bổ xung phong phú những lí luận trong học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin .
Trong giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1941 là một khoảng thời gian dài với biết bao khó khăn, gian khổ, thử thách trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, với ý chí mạnh mẽ và nghị lực phi thường, lòng yêu nước thương dân sâu sắc, đã giúp Bác vượt qua tất cả mọi khó khăn gian khổ, tiếp tục giữ liên lạc lãnh đạo cách mạng Việt Nam, “Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao, muốn nên sự nghiệp lớn tinh thần càng phải cao ” 
Tuy gặp khó khăn trong quá trình hoạt động cách mạng nhưng Bác vẫn luôn quan tâm đến từng chuyễn biến dù là nhỏ nhặc nhất của cách mạng Việt Nam. Quá trình hoạt động cách mạng cũng như sự chỉ đạo cách mạng của Bác đối với cách mạng Việt Nam trong giai đoạn này tuy còn nhiều khó khăn có lúc bị gián đoạn không trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam nhưng đây là khoảng thời gian mà Bác đã không ngừng vượt qua biết bao khó khăn thử thách để tìm thấy được những chủ trương, đường lối đúng đắn khách quan, phương hướng chiến lược phù hợp với điều kiện thực tiễn cụ thể của cách mạng Việt Nam sau khi Bác về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng ( 28-1-1941 ).
Chính vì thế tôi đã chọn vấn đề này làm đề tài tìm hiểu của mình, nhằm tìm hiểu rỏ hơn về những vấn đề vừa mới nêu trên.
B.  NỘI DUNG
1. Những khó khăn thử thách và sự gián đoạn trong hoạt động lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc ( 1931 – 1933 )
Trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng Đông Dương và sự cấu kết của bọn đế quốc trong việc bắt bớ, giam cầm các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam ở trong và ngoài nước (Trần Phú, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng… bị bắt cuối tháng 3-1931), Nguyễn Ái Quốc báo cáo về Văn phòng Ban Phương Đông, đề nghị được chuyển công tác lên Thượng Hải khi tình hình diễn biến ngày càng xấu đi, song đề nghị chưa kịp thực hiện, thì ngày 6-6-1931, Nguyễn Ái Quốc (tên gọi khi đó là Tống Văn Sơ) bị bắt tại số nhà 186, phố Tam Kung (Cửu Long, Hồng Kông). Ngày 15-6-1931, Hile Nulen, người phụ trách Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông tại Thượng Hải cũng bị sa lưới kẻ thù.
Trước sự kiện Nguyễn Ái Quốc bị bắt, nhiều tờ báo tại Pháp đưa tin: “Người Anh đã bắt giữ ở Thượng Hải, nhà cách mạng An Nam Nguyễn Ái Quốc” (báo Nhân đạo (L’ Humanité), 1931)”, “Nguyễn Ái Quốc bị bắt ở Trung Quốc”, (báo Bạo động tại Pari, 15-8-1931)… Các tổ chức cách mạng của ta ở trong nước qua tờ Tin nhanh thuộc địa (La DépêcheColoniale)  Dư luận (Opinion) cũng đã biết được tin dữ này. Thực dân Pháp rất hí hửng, chúng tâng bốc nhau và tâng bốc đế quốc Anh khi bắt được Nguyễn Ái Quốc. Anh và Pháp có kế hoạch, mặc cả trong việc giam giữ, dẫn độ không trả tự do cho Nguyễn Ái Quốc, vì theo Toàn quyền R. Rôbanh (R. Robin), thì việc trả lại tự do cho một người cực kỳ hăng hái và nguy hiểm này là một việc mạo hiểm cần phải tránh bằng bất cứ giá nào.
Tuy nhiên, đế quốc Anh và thực dân Pháp đã không thể thực hiện được kế hoạch đó. Biết Nguyễn Ái Quốc bị bắt, Quốc tế Cộng sản thông qua Quốc tế cứu tế đỏ đã yêu cầu luật sư Lôdơbi (F.H. Loseby), một luật sư tiến bộ người Anh khi đó là Chủ tịch công ty luật gia ở Hồng Kông giúp đỡ. Thời gian Tống Văn Sơ bị giam giữ cũng đồng thời là khoảng thời gian nước rút của cuộc đua giữa một bên là gia đình luật sư và những người bảo vệ Tống Văn Sơ, một bên khác là sự cấu kết, có điều kiện của mật thám Anh và Pháp muốn hãm hại Người. Dưới sức ép của dư luận, của những phương tiện thông tin báo chí, luật sư Lôdơbi đã đưa vụ án Tống Văn Sơ ra xử trước Pháp viện tối cao. Lần đầu tiên trong lịch sử thuộc địa, Toà án tối cao phải xét xử một bản án chính trị. Tính chất đặc biệt của vụ án, sự giúp đỡ cùng tài trí của luật sư và người cộng sự, sự thông minh và nhất quán trong từng câu trả lời của Tống Văn Sơ đã buộc toà án phải xét xử Người một cách công khai. Kéo dài tới 9 phiên, phiên thứ nhất (1-8-1931), diễn ra trong không khí căng thẳng, quyết liệt, đến phiên cuối cùng (19-9-1931), nhưng việc đòi trả tự do cho Tống Văn Sơ không được giải quyết dứt điểm. Luật sư cùng người cộng sự đã quyết định chống án lên Viện Cơ mật Hoàng gia Anh. Tiền án phí và những thủ tục bắt buộc cho việc kháng án đã được luật sư lo liệu đầy đủ. Hai người bạn của ông là luật sư Đenit Noen Pơrit (Denis Noel Pritt) và Stafo Crip (Stafford Cripps) đã nhận lời giúp đỡ Tống Văn Sơ. Nhờ sự nỗ lực của luật sư Stafo Crip, Toà án Viện Cơ mật Hoàng gia Anh đã đồng ý trả tự do cho Tống Văn Sơ. Song khi đi đến Xinhgapo, lấy cớ Tống Văn Sơ đi vào thuộc địa không có giấy phép, Người lại bị bắt giam.
Một lần nữa gia đình luật sư Lôdơbi lại bênh vực và cứu Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù. Kế hoạch di chuyển và bí mật tổ chức cho Tống Văn Sơ trốn đã được vạch ra. Sau một thời gian tạm lánh bí mật trong vai một nhà buôn lớn đi nghỉ, khi thì ở tạm trong Ký túc xá Thanh niên Thiên Chúa giáo Trung Hoa (Chinese YMCA), số 23 phố Oatéclô (Waterloo), Cửu Long, có khi ở ngay trong nhà của luật sư Lôdơbi, ngày 22-1-1933, với sự giúp đỡ của gia đình luật sư cùng những người bạn và Thống đốc Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc – Tống Văn Sơ đã bí mật rời Hồng Kông đi Hạ Môn. Đến Hạ Môn (tỉnh Phúc Kiến).
2. Quá trình hình thành đường lối, phương hướng chiến lược lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái Quốc ( 1933 – 1937 )
Khoảng mùa hè năm 1933, khi tình hình về vụ án Tống Văn Sơ có dấu hiệu lắng xuống, Nguyễn Ái Quốc quyết định rời Hạ Môn lên Thượng Hải, tìm cách bắt liên lạc với những đồng chí của mình. Cũng vào mùa hè năm 1933, được bà Tống Khánh Linh giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc gặp Pôn Vayăng Cutuyariê “trong chuyến anh sang Viễn Đông với tư cách đại biểu và người tổ chức Hội nghị vì hoà bình và chống chiến tranh đế quốc”.  Nhờ đồng chí Pôn Vayăng Cutuyariê, Người chắp được liên lạc với đoàn thể. Vượt qua những tháng ngày đầy sóng gió, mùa xuân 1934, Nguyễn Ái Quốc rời Thượng Hải đi Vlađivôxtốc (Liên Xô), trở về với quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Tháng 6-1934, sau một thời gian dừng lại Vlađivôxtốc để hoàn thành thủ tục nhập cảnh vào Liên Xô, vượt đường xe lửa xuyên Xibia, Nguyễn Ái Quốc trở lại Mátxcơva. Người muốn bắt tay ngay vào công việc, nhưng các đồng chí lãnh đạo Quốc tế Cộng sản đề nghị Người đi an dưỡng một thời gian để phục hồi sức khoẻ. Tại nơi nghỉ an dưỡng ở Xôchi, trên bờ biển Đen, Nguyễn Ái Quốc viết thư nhờ các đồng chí ở Mátxcơva gửi ngay sách báo mới, để Người vừa nắm được những thông tin về tình hình cách mạng trong nước và thế giới trong mấy năm qua, vừa tập luyện phục hồi sức khoẻ.
Tháng 10-1934, Nguyễn Ái Quốc vào học Trường Quốc tế Lênin, nơi bồi dưỡng lý luận dành riêng cho cán bộ các đảng anh em. Quyết định của Ban kiểm tra tư cách học viên của nhà trường ghi: “Nhận đồng chí Lin thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương vào Trường Quốc tế Lênin, số hiệu 375, niên khoá 1934-1935”, kèm theo Quyết định số 45 do Phó Giám đốc trường là Lidốpxki và Chánh văn phòng Makinnhe ký. Tại đây, Người học đầy đủ các môn lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, với phương pháp học tập chủ yếu là tự nghiên cứu và thảo luận, kết hợp đi khảo sát thực tế. Được học tập tại trường, nhưng Nguyễn Ái Quốc không quên trách nhiệm bồi dưỡng lý luận cho những cán bộ, đảng viên ở trong nước. Trong bức thư ngày 16-1-1935, gửi cho Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, Người nêu rõ tình trạng thiếu lý luận cách mạng của đại đa số cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương, Trung Quốc, Thái Lan… và những vấp váp, sai lầm của họ do tình trạng thiếu lý luận gây nên. Qua đó, Người yêu cầu Ban Phương Đông:
“Phải giúp đỡ các đồng chí của chúng ta khắc phục những khó khăn ấy bằng cách tạo điều kiện cho các đồng chí tiếp thụ được những kiến thức sơ đẳng nhất mà mỗi chiến sĩ đều phải có”.
Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc cũng đề nghị cho xuất bản những cuốn sách nhỏ “đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu với quần chúng”, với các nội dung về Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Đảng Cộng sản và tổ chức của Đảng, lịch sử Quốc tế Cộng sản, lịch sử các tổ chức Quốc tế Cộng sản như Thanh niên, Công hội, Nông hội,… để giúp các cán bộ, đảng viên chấm dứt tình trạng lạc hậu về lý luận, tránh được những sai lầm, thất bại đau đớn.
Nguyễn Ái Quốc được mời tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản với tư cách là đại biểu tư vấn, với Thẻ dự Đại hội số 154, ghi tên Lin, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, đồng chí Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản G. Đimitơrốp báo cáo về nguy cơ một cuộc tiến công của chủ nghĩa phátxít và những nhiệm vụ của Quốc tế Cộng sản, nhiệm vụ của cách mạng thuộc địa và nửa thuộc địa, cùng nhiều nội dung khác. Đại hội cũng đã thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản năm 1931, chính thức công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một phân bộ của Quốc tế Cộng sản, và bầu đồng chí Lê Hồng Phong vào Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản. Những nghị quyết của đại hội là sự chuyển hướng có ý nghĩa quan trọng với phong trào cách mạng thế giới nói chung và phong trào cách mạng Việt Nam nói riêng, đặc biệt là vấn đề phải hình thành cho được một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi chống đế quốc, đòi dân chủ, cơm áo, hoà bình, khắc phục tư tưởng tả khuynh, hẹp hòi của Đại hội lần thứ VI Quốc tế Cộng sản, năm 1928.
Sau đại hội, Nguyễn Ái Quốc dặn đồng chí Lê Hồng Phong khẩn trương thu xếp công việc, về nước để truyền đạt cho Trung ương Đảng ta những nghị quyết của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, để từ đó điều chỉnh những nghị quyết của Đại hội Ma Cao, khắc phục tư tưởng tả khuynh hẹp hòi, bảo thủ; đề phòng tư tưởng hữu khuynh, thoả hiệp vô nguyên tắc trong khi hợp tác với các lực lượng khác mà xa rời mục tiêu chống đế quốc và phong kiến. Mùa hè 1936, cùng với việc chuẩn bị cho các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và Hoàng Văn Nọn về nước, Người đã căn dặn và nhấn mạnh việc hai đồng chí nhất định phải chuyển đến đồng chí Lê Hồng Phong ba ý kiến quan trọng sau:
a. Ban Chấp hành Trung ương cần sớm chuyển về trong nước để chỉ đạo phong trào.
b. Phải củng cố sự đoàn kết vững chắc trong đảng, giữa bộ phận trong nước và nước ngoài, kiên quyết không được thoả hiệp với bọn Tờrốtxkít.
c. Thành lập cho được Mặt trận dân tộc dân chủ, thu hút mọi lực lượng yêu nước tán thành cuộc đấu tranh vì dân sinh, dân chủ nhưng không được hy sinh quyền lợi của Đảng và giai cấp.
Kết thúc khoá học tại Trường Quốc tế Lênin, Người được nhận vào công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở nhà số 25, đại lộ Tvécxkaia, Mátxcơva. Cuối năm 1936 , Người trúng tuyển vào lớp nghiên cứu sinh, ngành lịch sử của Viện. Giữa năm 1937, Người dự kỳ thi học kỳ I của lớp nghiên cứu sinh đạt kết quả tất cả các môn học, trong đó có môn đạt điểm xuất sắc. Tuy nhiên, khi Chiến tranh thế giới thứ hai ngày một lan rộng, lò lửa chiến tranh ở khu vực Thái Bình Dương xuất hiện, Nguyễn Ái Quốc không thể yên tâm ngồi học để hoàn thành luận án, Người nóng lòng được trở về nước hoạt động.
3. Quá trình chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam của Nguyễn Ái  Quốc  ở nước ngoài ( 1938 – 1941 )
Để thực hiện nguyện vọng của mình, ngày 6-6-1938, Người (ký tên Lin) gửi thư cho Quốc tế Cộng sản bày tỏ nguyện vọng về nước hoạt động. Nữ đồng chí Vaxiliêva, Trưởng khoa Phương Đông, đặc trách khu vực Đông Dương của Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản đã ủng hộ nguyện vọng của Nguyễn Ái Quốc và viết thư đề nghị Ban Bí thư Quốc tế Cộng sản ủng hộ nguyện vọng của Người, trong đó ghi rõ:
“Đồng chí Lin là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, là người có uy tín lớn trong Đảng Cộng sản Đông Dương, nay từ đây về thì Đảng sẽ chăm chú lắng nghe những ý kiến của đồng chí ấy”
Quốc tế Cộng sản đã tổ chức một cuộc họp bí mật, trong đó có sự tham gia của các đồng chí G. Đimitrốp, Tổng Bí thư Quốc tế Cộng sản và đồng chí Vaxin Côlarốp ra chỉ thị về công tác cho Nguyễn Ái Quốc. Sau đó, Quốc tế Cộng sản đã ra Quyết định số 60 (mật): “Sinh viên mang số hiệu 19 (Lin) từ ngày 29-9-1938 đã rời khỏi biên chế của Viện (về nước)”.
Đầu tháng 10-1938, Người đáp xe lửa từ Mátxcơva đi về phương Đông. Vượt qua biên giới Xô – Trung, Nguyễn Ái Quốc đến Urumsi  rồi đi Lan Châu. Tại đây, Người được Văn phòng Bát lộ quân chuẩn bị cho một chứng minh thư Trung Quốc, mang tên Hồ Quang, cấp bậc thiếu tá.
Nguyễn Ái Quốc trở lại Trung Quốc trong bối cảnh tình hình có nhiều thay đổi: Đảng Cộng sản Trung Quốc lập lại Mặt trận thống nhất, hợp tác với Quốc dân Đảng cùng chống Nhật. Từ Lan Châu, Người đã đi Tây An theo đường dây của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó đến Diên An – căn cứ đầu não của 18 vạn quân cách mạng và 9 khu giải phóng ở Hoa Bắc và Hoa Trung. Sau hai tuần ở Diên An, Nguyễn Ái Quốc quay lại Tây An, đi xuống Quảng Tây, tìm cách về gần Tổ quốc. Dừng chân tại Quế Lâm (Quảng Tây), Nguyễn Ái Quốc, với bí danh Hồ Quang, làm việc tại Văn phòng Bát lộ quân (đóng ở 96, đường Trung Sơn Bắc, Quế Lâm), đồng thời tìm cách liên lạc với trong nước.
Trong thời gian này, Người viết nhiều báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, như: Về những chỉ thị mà tôi có thể nhớ và truyền đạt lại (năm 1939);Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1939), báo cáo về tình hình hiện tại của mình, về tình hình chính trị ở Đông Dương từ năm 1936-1938; Báo cáo gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1940), nêu những thông tin về địa lý, dân tộc, đồng thời khẳng định chỉ có Đảng Cộng sản là chính đảng chân chính, có tính chất toàn quốc và tính chất quần chúng”, thông báo về tình hình của bản thân và tình hình chính trị ở Đông Dương.
Từ tháng 2-1939, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài dưới tiêu đề: “Thư từ Trung Quốc“, tập trung nêu lên họa xâm lược của bọn phátxít Nhật ở Trung Quốc và các quốc gia châu Á, đồng thời nêu rõ những hoạt động phá hoại của bọn Tờrốtxkít ở Trung Quốc, qua đó gián tiếp báo động về những hoạt động của chúng ở Việt Nam, nhằm nhắc nhở, giáo dục cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần cảnh giác, không thoả hiệp với chúng trong bất cứ vấn đề nào. Cùng với những bài báo, Nguyễn Ái Quốc còn gửi thư cho Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, trực tiếp truyền đạt tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, nêu những ý kiến về đường lối, chủ trương của Đảng trong thời kỳ thực hiện Mặt trận dân chủ Đông Dương:
- Về khẩu hiệu đấu tranh: Lúc này Đảng không nên đưa ra những đòi hỏi quá cao, như độc lập dân tộc mà chỉ nên đòi các quyền dân chủ, tự do hội họp, tự do tổ chức,… đấu tranh để Đảng được hoạt động hợp pháp.
- Về công tác mặt trận: Phải ra sức tổ chức Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, bao gồm cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương và giai cấp tư sản dân tộc. “Tránh hết sức để họ ở ngoài Mặt trận, vì như thế là đẩy họ rơi vào tay bọn phản động, là tăng thêm lực lượng cho chúng”.
- Về vai trò lãnh đạo của Đảng: “Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình, mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”.
- Về giáo dục nội bộ: “Đảng phải đấu tranh không nhân nhượng chống tư tưởng bè phái, và phải tổ chức học tập có hệ thống chủ nghĩa Mác – Lênin để nâng cao trình độ văn hoá và chính trị cho các đảng viên. Phải giúp đỡ cán bộ không đảng phái nâng cao trình độ”.
- Về quan hệ quốc tế: “Phải duy trì quan hệ chặt chẽ với Đảng Cộng sản Pháp”, “với Mặt trận nhân dân Pháp”, vì mặt trận này “có thể giúp rất nhiều cho ta”.
Sau đó, Người báo cáo Quốc tế Cộng sản những ý kiến về đường lối mà Người đã truyền đạt cho Trung ương Đảng ta và tình hình công việc của Người trong 9 tháng qua như: làm phiên dịch tin tức, viết sách nói về Khu vực đặc biệt, và một số bài báo phản ánh những biến cố chính trị, quân sự ở Trung Quốc.
Tháng 2-1939, Nguyễn Ái Quốc rời Quế Lâm, tham gia lớp huấn luyện du kích tại Nam Nhạc thuộc Hành Dương, tỉnh Hồ Nam. Sau 7 tháng ở Hồ Nam, khoảng sau ngày 20- 9-1939, Nguyễn Ái Quốc rời Hồ Nam trở về Quế Lâm và đi Long Châu (một huyện nằm ở biên giới Việt – Trung, tỉnh Quảng Tây) để bắt liên lạc với người từ trong nước sang, nhưng không gặp được. Không bắt được liên lạc với đại diện của Trung ương, trong khoảng thời gian từ tháng 10-1939 đến cuối tháng 11-1939, Người di chuyển liên tục (Quế Lâm – Liễu Châu - Long Châu  -  Quý Dương  – Côn Minh – Trùng Khánh). Tại Trùng Khánh, Nguyễn Ái Quốc thường đến Văn phòng Bát lộ quân đóng tại thôn Hồng Nham và gặp gỡ Chu Ân Lai.
Vào khoảng nửa cuối tháng 11-1939, Nguyễn Ái Quốc tìm đường đi Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Tại Côn Minh, Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương đã được lập lại do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách. Tin tức từ trong nước đến Côn Minh rất đều đặn. Tại Côn Minh, nhờ sự giúp đỡ của các đồng chí trong Tỉnh ủy Vân Nam, Người bắt được liên lạc với Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng ta. Cuối tháng 2-1940, Nguyễn Ái Quốc gặp đồng chí Phùng Chí Kiên tại nhà ông Tống Minh Phương, số 77, đường Kim Bích, thành phố Côn Minh.
Trao đổi với tổ chức đảng ở Côn Minh, Nguyễn Ái Quốc đề nghị đổi tên tờ Truyền tin thành Đ.T. Tháng 4-1940, Người đã cùng đồng chí Phùng Chí Kiên đi thăm một số cơ sở cách mạng dọc tuyến đường xe lửa Côn Minh – Hà Khẩu. Lúc này, Người sử dụng giấy giới thiệu của Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện hội, cho hoạt động hợp pháp để đi Nghi Lương, Khai Viễn, Chỉ Thôn. Đầu tháng 6-1940, Nguyễn Ái Quốc với bí danh đồng chí Vương đến Thuý Hồ gặp các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp từ trong nước sang. Sau đó ít ngày, với bí danh Hồ Quang, Người giới thiệu các đồng chí Cao Hồng Lĩnh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đi học chính trị dài hạn ở Diên An, nhưng sau đó kịp thời hoãn lại vì tình hình thế giới có nhiều biến động. Ở Côn Minh, nghe tin phátxít Đức tấn công Pháp (15-6-1940), Chính phủ Pêtanh chấp nhận mọi điều kiện đầu hàng (22-6-1940), tạo ra những điều kiện mới cho sự phát triển của phong trào cách mạng, Nguyễn Ái Quốc quyết định triệu tập cuộc họp tại trụ sở báo Đ.T. Tại cuộc họp, Người nhấn mạnh:
“Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”.
Hội nghị tán thành ý kiến của Người và quyết định: Tìm mọi cách về nước.
Cuối tháng 6-1940, Người cử đồng chí Trần Văn Hinh đi Diên An để thiết lập mối quan hệ với quốc tế. Còn Người đi Trùng Khánh gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuối tháng 7-1940, Người trở lại Côn Minh, định trở về nước theo hướng Côn Minh – Lào Cai nhưng không thực hiện được. Trong khi đó, tháng 9-1940, Nhật tiến hành xâm lược nước ta, thực dân Pháp hoàn toàn không kháng cự, dâng nước ta cho Nhật. Từ đây, nhân dân ta một cổ phải chịu hai tròng áp bức. Tháng 10-1940, Nguyễn Ái Quốc lại cùng một số đồng chí rời Côn Minh đi Quế Lâm (Quảng Tây) tìm đường trở về nước theo hướng mới. Tại đây, để có danh nghĩa hoạt động, Người cho lập lại Việt Nam độc lập đồng minh - tổ chức chính trị chống đế quốc của người Việt Nam (được phép chính quyền Tưởng Giới Thạch cho thành lập từ năm 1935 tại Nam Kinh), và mời ông Hồ Học Lãm làm Chủ nhiệm Văn phòng hải ngoại của tổ chức.
Trước những biến động của tình hình thế giới, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (tháng 11-1940) và chỉ rõ: “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng: lĩnh đạo cho các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập”. Hội nghị quyết định: Tiếp tục duy trì đội du kích Bắc Sơn, hoãn khởi nghĩa Nam Kỳ, chắp nối liên lạc với Quốc tế Cộng sản và bộ phận hải ngoại của Đảng. Công việc trọng yếu này giao đồng chí Hoàng Văn Thụ phụ trách.
Thời kỳ này, để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam, với bút danh Bình Sơn, Nguyễn Ái Quốc viết 12 bài đăng trên Cứu vong nhật báo (Trung Quốc) như: Ông-trôi-có-mat” (15-11-1940), tố cáo Pháp – Nhật, ca ngợi tình đoàn kết của nhân dân Trung Quốc và Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Nhật – Pháp; Ca dao Việt Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc (4-12-1940), đưa tin nhân dân Việt Nam chi viện mọi mặt cho cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc; Mắt cá giả ngọc trai (5-12-1940), tố cáo Nhật cho tay chân đóng giả nhân dân Trung Quốc để dò la tin tức… Đồng thời, Người cũng viết nhiều bài tuyên truyền về sự chi viện của nhân dân Việt Nam cho cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc, coi “cứu Trung Quốc là tự cứu mình”.
Hạ tuần tháng 12-1940, Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây (Quảng Tây). Vài ngày sau Tết dương lịch năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Tân Khư (Tĩnh Tây). Thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí báo cáo với Người tình hình trong nước, những công việc đang thực hiện và kế hoạch chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ tám, đồng thời đề nghị Người nên chọn hướng Cao Bằng để về nước. Mấy ngày sau, Người cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường, qua Nậm Bo xuống Nậm Quang (sát biên giới Việt – Trung). Tại Nậm Quang, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam. Chương trình của lớp học rất thiết thực, với các nội dung cơ bản như: Tình hình quốc tế, trong nước; tổ chức đoàn thể quần chúng; cách thức tổ chức, huấn luyện đấu tranh. Người cũng căn dặn các học viên trong mối liên hệ với dân có 5 điều nên làm và 5 điều nên tránh. Các tài liệu do Người tổ chức biên soạn và giảng dạy, sau đó được in litô thành sách Con đường giải phóng.
Lớp huấn luyện kết thúc vào khoảng giáp Tết âm lịch. Người cùng Lê Quảng Ba, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp, Thế An và Hoàng Văn Lộc cũng chuẩn bị gấp rút về nước. Ngày 1-1 Tết Tân Tỵ (năm 1941), Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí trong đoàn đi chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Ngàn Tấy. Ngày hôm sau 28-1-1941, tức 2-1 Tết, đoàn rời Nậm Quang trở về nước.
Như vậy là, sau gần 30 năm bôn ba tìm đường giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản thành một lãnh tụ của Đảng Cộng sản Đông Dương, một người chiến sĩ cộng sản quốc tế. Trong những năm tháng gian lao ấy, dù đã từng bị tù đầy trong lao tù đế quốc, nhưng Người vẫn kiên định con đường đã lựa chọn, đã kiên nhẫn chờ đợi để thực hiện khát vọng giải phóng dân tộc Việt Nam và những người bị áp bức. Vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, những trở ngại tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, mong ước được trở về nước trực tiếp lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc của Người đã trở thành hiện thực. Ngày 28-1-1941, Người đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam

C. KẾT LUẬN

Cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về lí tưởng cách mạng cao cả, suốt cuộc đời Người phấn đấu vì sự nghiệp chung của đất nước, giải phóng dân tộc, giành lại độc lập tự do và mang lại cuộc sống hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Trên con đường hành trình cứu nước ấy của Người có biết bao khó khăn, gian khổ, thử thách, Người từng trải qua nhiều nghề nghiệp khác nhau để thực hiện lí tưởng của mình, từng là phục vụ, thợ làm bánh, công nhân, phu xe… Nhưng thời điểm khó khăn và thử thách nhất trong cuộc đời hoạt động của Người là vào khoảng thời gian ( 1931 – 1941 ), Người bị bắt giam tại nhà lao của quân Tưởng Giới Thạch, suốt hơn 2 năm ( 1931 – 1933 ), cuộc sống giam cầm trong nhà lao của Người với với vô vàn khó khăn, gian khổ, Người vẫn lạc quan với niềm tin và nghị lực sức mạnh ý chí phi thường, “ Ngâm thơ ta vốn không ham, nhưng vì trong ngục biết làm chi đây, tháng ngày ngâm ngợi cho khoay, vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do ”.
Được sự giúp đở của bạn bè trong quốc tế cộng sản, và vị luật sư người Anh, năm 1933 Người thoát khỏi nhà lao của Tưởng, chú ý theo dõi từng diễn biến nhỏ nhặc nhất và tiếp tục hoạt động bí mật liên lạc với cách mạng Việt Nam. Trong thời gian này Người được sự chỉ đạo của quốc tế cộng sản theo học tại Liên Xô, tại đây Người đã theo dõi tình hình cách mạng của đất nước và đề ra những chủ trương đường lối chiến lược để sau này về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Tóm lại quá trình hoạt động cách mạng của Bác trong giai đoạn 1931 – 1941 đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam tuy có những lúc bị gián đoạn, không trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Nhưng cũng trong khoảng thời gian này Bác đã trải qua những khó khăn thử thách lớn trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, tuy nhiên không vì vậy mà ảnh hưởng đến hoạt động cách mạng của Bác trong khoảng thời gian này Bác đã đề ra những sách lược, chủ trương, đường lối chiến lược lãnh đạo cách mạng Việt Nam, khắc phục những hạn chế thiếu soát, bất cập của cách mạng Việt Nam trong quá trình hoạt động ( 1931 – 1941 ). Đưa sự nghiệp cách mạng nước ta sang trang mới với những thắng lợi mới vĩ đại, vẽ vang kháng chiến chống Pháp xâm lược, kháng chiến chống Mỹ cứu nước thành công. Xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do muôn đời, đưa đất nước phát triễn giàu đẹp như ngày nay. Để thế hệ con cháu như chúng ta ngày nay được hưởng một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, ấm no.
Công lao ấy của chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi với non sông đất nước, để thế hệ hôm nay lắm đỗi tự hào rằng mình đã đang và được sống trên mãnh đất thân yêu, một đất nước anh hùng, nơi sinh ra một con người vĩ đại, một anh hùng giải phóng dân tộc kiệt suất, một bậc vĩ nhân danh nhân văn hóa thế giới đó là Bác Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam. Toàn thể nhân dân, dân tộc Việt Nam trong gian đoạn hiện nay tự nguyện sống chiến đấu, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, đem một phần sức nhỏ của mình góp vào sự nghiệp chung của đất nước, góp phần xây dựng đất nước giàu đẹp như lời Bác mong sánh vai với các cường quốc nam châu trong khu vực và trên thế giới. 


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.                       Vũ Anh “  Bác Hồ về nước ”, ( 1986 ), Nxb Hội văn học nghệ thuật Cao Bằng.
2.                       Đảng Cộng sản Việt Nam “ Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7 ”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3.                       Hồ Chí Minh “ Biên niên tiểu sử, tập 2 ”, ( 2006 ), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4.                       Hồ Chí Minh “  Toàn tập, tập 3 ”, (  2001 ), Nxb Chính trị quốc gia  –  Sự thật, Hà Nội.
5.                       Hồ Chí Minh “ Nhật kí trong tù ”, ( 2000 ), Nxb Đồng Nai






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét