Chào mừng đến với Blogger !!!

30 tháng 5, 2012

TÁC ĐỘNG HAI MẶT CỦA TOÀN CẦU HÓA KINH TẾ ĐỐI VỚI CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN


Lê Ngọc Tòng*
Ngày nay, chủ nghĩa tư bản đang đóng vai trò chi phối quá trình toàn cầu hóa. Với cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, công nghệ thông tin và viễn thông, quá trình này ngày càng phát triển mạnh mẽ về chiều rộng cũng như về chiều sâu bằng tốc độ rất nhanh. Hiện tại toàn cầu hóa đã bộc lộ những mặt tích cực và tiêu cực. Điều này thể hiện rõ qua sự tác động của nó đối với các nước đang phát triển.
Trước hết, toàn cầu hóa đem lại cơ hội lớn và có những tác động tích cực đối với các nước đang phát triển.
1. Thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng sản xuất
Toàn cầu hóa, trước hết là toàn cầu hóa về kinh tế, bắt nguồn từ sự phát triển của lực lượng sản xuất, từ tính chất xã hội hóa của sản xuất trên phạm vi quốc tế. Trước đây, khi phân tích về quá trình quốc tế hóa sản xuất tư bản chủ nghĩa, C. Mác và Ph. Ăng - ghen đã vạch rõ : "Vì luôn bị thúc đẩy bởi nhu cầu về những nơi tiêu thụ sản phẩm, giai cấp tư sản xâm lấn khắp toàn cầu. Nó phải xâm nhập vào khắp nơi, trụ lại ở khắp nơi và thiết lập những mối liên hệ ở khắp nơi... Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng của tất cả các nước mang tính chất thế giới..." (1).
Điều này có nghĩa là từ sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất trong nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, cùng với sự thôi thúc của động lực đạt lợi nhuận cao của giai cấp tư sản, xu thế toàn cầu hóa đã xuất hiện. Khi đã xuất hiện, nó tác động trở lại làm cho lực lượng sản xuất trên thế giới nói chung và ở các nước đang phát triển nói riêng có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Ngày nay, thực tế xã hội tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của những quan điểm trên của C. Mác và Ph. Ăng-ghen trong điều kiện mới.
Với mục tiêu giành lợi nhuận tối đa, thông qua các mối liên hệ quốc tế rộng rãi do toàn cầu hóa đưa lại, các nước phát triển đang tìm cách đầu tư vào các nước đang phát triển. Ngược lại, để đưa đất nước tiến nhanh, các nước đang phát triển cũng có nhu cầu thu hút ngày càng nhiều nguồn vốn từ nước ngoài. Sự gặp gỡ của hai nhu cầu này làm cho dòng chảy về vốn, công nghệ, dịch vụ từ các nước phát triển chuyển vào các nước đang phát triển ngày càng tăng. Chẳng hạn, tính theo tỷ lệ GDP, luồng vốn thâm nhập vào các nước đang phát triển trong 10 năm từ 1986 đến 1996 đã tăng khoảng 2 lần... Riêng Trung Quốc, trong 3 năm 1993 - 1995 đã nhận được 110 tỉ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 20% tổng đầu tư của cả nước. FDI cung cấp 34,7% đầu tư cho hàng xuất khẩu và 28,7% đầu tư cho công nghiệp của Trung Quốc năm 1994... Thực tế này cũng cho thấy, những nước đang phát triển bứt lên được về kinh tế là những nước đã tận dụng được các cơ hội và thu hút được những khoản FDI lớn nhất.
Để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, bắt buộc các nước đang phát triển phải nâng cao trình độ về mọi mặt, đổi mới công nghệ, cải tiến phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động. Tất cả những điều đó đưa đến một kết quả là : các nước phát triển thì ngày càng giàu có, còn các nước đang phát triển cũng phát triển mạnh mẽ về lực lượng sản xuất. Sự phát triển của các nước NICs, đặc biệt là những "con rồng" châu Á trong mấy thập kỷ qua đã chứng minh điều đó.
2. Khai thác mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đẩy mạnh sự phát triển, dần dần thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến
Toàn cầu hóa làm cho thị trường mỗi quốc gia được mở rộng ra phạm vi quốc tế, nhờ đó quan hệ mua bán hàng hóa và dịch vụ được tăng lên nhanh chóng. Thông qua thị trường mở cửa, các quốc gia có thể trao đổi những thành tựu mới của khoa học - công nghệ hiện đại, làm cho nền khoa học - kỹ thuật và sản xuất trong nước phát triển mạnh mẽ. Các nước đang phát triển nói riêng cũng có điều kiện khai thác tối đa những thế mạnh của đất nước, dân tộc ; tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế theo hướng chuyên môn hóa để thu lợi nhuận cao, hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước ; đồng thời thu hút những gì cần thiết và có lợi từ bên ngoài, phục vụ cho sự phát triển đất nước.
Trong quá trình mở cửa, hội nhập, nếu các nước đang phát triển có đường lối, chính sách đúng đắn, phù hợp và biết khai thác mặt tích cực của toàn cầu hóa, tranh thủ lợi thế so sánh riêng, tận dụng cơ hội thu hút được nguồn đầu tư lớn và các nguồn lợi khác của thế giới, thì sẽ tạo được sự phát triển với tốc độ nhanh. Ngày nay, nhờ xu thế toàn cầu hóa, với chính sách tăng cường mở cửa, hội nhập của nhiều quốc gia, các nước đang phát triển còn có thể lựa chọn, ứng dụng các thành tựu khoa học - kỹ thuật và dây chuyền công nghệ tiên tiến để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, nâng cao năng lực của nền kinh tế nhờ phương thức đi tắt, đón đầu các thành tựu khoa học - công nghệ mới nhất. Chính bằng cách đó, một số nước đang phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Xin-ga-po, Thái Lan... đã tạo được sự phát triển nhanh, bền vững và liên tục, đem lại sự thay đổi lớn lao cho đất nước, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch, từng bước tiến kịp các nước tiên tiến.
3. Gìn giữ hòa bình, ổn định để phát triển
Toàn cầu hóa đã tạo ra sự gắn bó hữu cơ, sự liên kết, hợp tác, sự phụ thuộc, ràng buộc lẫn nhau về nhiều mặt giữa các quốc gia trong quá trình mở cửa, hội nhập. Chính trong môi trường liên kết, hợp tác đó, các quốc gia có điều kiện hiểu biết và gần gũi nhau hơn. Nhờ không khí ngày càng thân thiện do lợi ích của tất cả các bên trong quá trình liên kết, hợp tác tạo ra, toàn cầu hóa đã đem lại khả năng thuận lợi cho việc giữ gìn hòa bình, ổn định để phát triển ở tất cả mọi nước. Không có hòa bình và ổn định sẽ không có bất kỳ một sự phát triển nào. Ngày nay, xu thế hòa bình, hợp tác để phát triển trở thành xu thế chủ đạo của quan hệ quốc tế. Sự thăng hoa của xu thế này là một yếu tố quan trọng làm cho quá trình toàn cầu hóa tiến triển thuận lợi.
Những cơ hội mà toàn cầu hóa tạo ra cho các nước đang phát triển là khách quan và rất to lớn. Song, đó mới chỉ là khả năng. Khả năng này có biến thành hiện thực hay không, hoặc được hiện thực hóa tới mức nào, điều đó còn tùy thuộc vào nhân tố chủ quan về năng lực nhận thức và hoạt động thực tiễn của mỗi quốc gia cụ thể. Không phải có cơ hội thuận lợi, thì nước nào cũng có thể phát triển được.
Ngoài những "cơ hội", toàn cầu hóa đồng thời còn đặt ra các thách thức không nhỏ trước các nước đang phát triển.
1. Mâu thuẫn và cạnh tranh quốc tế quyết liệt, nguy cơ tụt hậu gay gắt
Toàn cầu hóa là quá trình vừa hợp tác vừa đấu tranh giữa các thành viên tham gia, chủ yếu là giữa các nước đang phát triển và chậm phát triển với các nước phát triển (đứng đầu là Mỹ). Tham gia vào quá trình toàn cầu hóa là tham gia vào việc định ra và thực hiện "luật chơi chung". Để đảm bảo cho các nước đều có lợi ích trong mở cửa, hội nhập, đòi hỏi các bên tham gia phải hợp tác với nhau. Do có ưu thế về vốn, công nghệ, thị trường, kinh nghiệm quản lý và thực lực chi phối thị trường thế giới trong quá trình toàn cầu hóa, các nước phát triển luôn nắm quyền quy định và khống chế những luật chơi chung có lợi cho họ. Mặc dù "luật chơi" có vẻ "công bằng", nhưng thực chất chúng luôn đem lại lợi thế cho những kẻ mạnh (các nước tư bản phát triển và các công ty siêu quốc gia). Các nước đang phát triển, các nước nghèo thường phải gánh chịu những điều bất lợi, thiệt thòi về phía mình. Trong quá trình toàn cầu hóa, để thu được nhiều lợi ích, các nước phát triển luôn tìm mọi cách chèn ép các nước đang phát triển trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Về kinh tế, các nước phát triển dùng sức mạnh để ép các nước đang phát triển phải chấp nhận những điều khoản có lợi cho mình, tạo nên những bất lợi cho các nước đang phát triển, khiến các nước này phải lệ thuộc về kinh tế ngày càng nhiều.
Về chính trị, thông qua toàn cầu hóa các nước phát triển cũng buộc các nước đang phát triển phải lệ thuộc vào họ. Việc Mỹ và NATO buộc Nam Tư phải từ bỏ chủ quyền để đổi lấy khoản viện trợ tài chính, việc Mỹ thực hiện chính sách cấm vận đối với Cu-ba và một số nước khác minh chứng rõ ràng cho điều đó.
Toàn cầu hóa đã tạo ra mâu thuẫn gay gắt giữa các nước đang phát triển với các nước phát triển trong quá trình mở cửa, hội nhập. Không những thế, quá trình toàn cầu hóa còn đặt các nước đang phát triển trước thách thức của sự cạnh tranh quyết liệt. Tham gia vào quá trình toàn cầu hóa là tham gia vào thị trường thế giới. Đặc trưng cơ bản của thị trường là cạnh tranh. Cơ chế thị trường tư bản chủ nghĩa điều tiết nền kinh tế theo qui luật "cá lớn nuốt cá bé", "mạnh được, yếu thua", "kẻ nhanh sẽ chiếm phần người chậm, kẻ mạnh chèn ép kẻ yếu"... Để tồn tại và phát triển, các nước đang phát triển phải tìm cách đổi mới về đường lối phát triển kinh tế, đổi mới cơ chế hoạt động, không ngừng nâng cao trình độ khoa học - kỹ thuật, tổ chức - quản lý và công nghệ hiện đại cho phù hợp với điều kiện hội nhập. Nếu không làm được điều đó thì quá trình toàn cầu hóa sẽ đẩy các nước đang phát triển tới nguy cơ ngày càng lệ thuộc, mất dần tính độc lập tự chủ, từng bước trở thành bãi thải công nghệ cho các nước phát triển, làm cho đất nước tụt hậu ngày càng xa. Những doanh nghiệp của các nước này nếu không nâng cao trình độ về mọi mặt, tăng cường sức cạnh tranh, sẽ có nguy cơ phá sản và bị thôn tính. Quá trình toàn cầu hóa thực sự đặt các nước đang phát triển trước một cuộc cạnh tranh quyết liệt. Ở đây, thị trường cũng không kém phần khốc liệt hơn chiến trường.
2. Phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia và trong nội bộ mỗi quốc gia
Toàn cầu hóa phân phối không đều lợi ích và cơ hội phát triển cho các quốc gia. Do có tiềm lực kinh tế áp đảo và có ưu thế về nhiều mặt, các nước phát triển đang nắm vị trí chủ đạo trong quan hệ phân công quốc tế và trong tiến trình toàn cầu hóa. Họ luôn tìm cách giành lấy những lợi thế kinh tế về phía mình, đẩy những bất lợi về phía các nước đang phát triển. Chính điều đó đã tạo ra sự phân phối lợi ích không đều, làm gia tăng sự phân hóa giàu nghèo giữa các nước và ngay trong nội bộ mỗi nước. Thực tế cho thấy, nếu như toàn cầu hóa đem lại cho các nước phát triển những nguồn lợi khổng lồ và tăng nhanh sự giàu có của họ một cách vô độ, thì nó cũng làm cho nhiều nước đang phát triển ngày càng tụt hậu và phần lớn dân chúng trên thế giới ngày càng nghèo đi.
"Báo cáo về phát triển con người" năm 1999 của Liên hợp quốc đã chỉ rõ : Các nước phát triển với số dân khoảng 1,2 tỉ người, chiếm 1/5 dân số thế giới nhưng chiếm 86% GDP toàn cầu, 4/5 thị trường xuất khẩu, 1/3 đầu tư trực tiếp nước ngoài và khống chế 75% đường dây điện thoại thế giới. Trong khi đó các nước nghèo cũng chiếm 1/5 dân số thế giới nhưng chỉ chiếm 1% mỗi lĩnh vực trên. Toàn cầu hóa làm cho sự phân hóa giàu nghèo giữa người với người ngày càng tăng : Sự chênh lệch thu nhập của 20% người giàu nhất thế giới và 20% người nghèo nhất thế giới năm 1960 là 30/1, đến năm 1990 là 60/1 và năm 1997 là 74/1. Đại hội đặc biệt của Liên hợp quốc ở Giơ-ne-vơ tháng 6-2001 cũng chỉ ra rằng : Chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người của nước giàu nhất (Thụy Sĩ, 40 800 đô-la) so với nước nghèo nhất (Ê-ti-ô-pi, 100 đô-la) hiện nay là 408 lần, trong khi hồi đầu thế kỷ XX mới là không quá 10 lần. Tài sản của 3 người giàu nhất thế giới nhiều hơn tổng giá trị tài sản quốc dân của 60 nước nghèo.
Không những thế, toàn cầu hóa cũng gây ra sự phân phối không công bằng trong nội bộ mỗi quốc gia. Ngay tại Mỹ, vẫn còn 12% số dân, phải sống dưới mức nghèo khổ.
3. Nguy cơ làm mất dần bản sắc văn hóa dân tộc
Quá trình toàn cầu hóa làm tăng giao lưu quốc tế và tính đồng nhất trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Giống như toàn cầu hóa kinh tế, toàn cầu hóa văn hóa cũng tác động cả tích cực và tiêu cực đến mọi nước tham gia quá trình hội nhập. Văn hóa của các nước phát triển sẽ ảnh hưởng mạnh đến văn hóa các nước đang phát triển. Điều quan trọng là mỗi nước biết chủ động đón nhận nó để có những đối sách thích hợp nhằm phát huy những mặt tích cực, khắc phục những mặt tiêu cực trong quá trình hội nhập.
Quá trình toàn cầu hóa, sự nối mạng thông tin toàn cầu tạo điều kiện cho việc du nhập những tư tưởng và lối sống lai căng, thiếu lành mạnh, thoát ly bản sắc dân tộc. Nhiều giá trị văn hóa riêng của các nước đang phát triển bị xói mòn và mất dần ảnh hưởng, thay vào đó là sự chấp nhận những "giá trị chung". Nền văn hóa dân tộc bị tấn công, gặm nhấm, bị "đồng hóa" bởi văn hóa bên ngoài. Chưa bao giờ ở các nước đang phát triển, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc lại phải chịu những tác động xói mòn mạnh mẽ, gay gắt như thời kỳ này. Nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm, buôn lậu, ma-phi-a, bạo lực, gian lận thương mại... phát triển như các đại dịch thời Trung cổ. Tại nhiều nơi, nhất là các thành phố, thị xã, thị tứ đã xuất hiện khá phổ biến lối sống thực dụng, chạy theo tiện nghi vật chất, tôn thờ đồng tiền, sùng ngoại, coi nhẹ những giá trị lý tưởng, đạo đức của cha ông... Nhiều sinh hoạt văn hóa như lễ hội, biểu diễn nghệ thuật, bị nhuốm màu thương mại hóa. Có thể nói, đây là "một cuộc xâm lăng văn hóa" của các nước phát triển đang diễn ra trên khắp hang cùng ngõ hẻm các nước đang phát triển.
Trong quá trình hội nhập, các nước đang phát triển cần chọn lọc, tiếp thu, kế thừa những giá trị văn hóa tiên tiến của nhân loại để phát triển. Nhưng đồng thời họ cũng phải biết bảo tồn, phát huy những giá trị, tinh hoa văn hóa của dân tộc. Phải tìm trong chính mình sức mạnh nội sinh để đứng vững trước thử thách của toàn cầu hóa. Nếu để mất bản sắc văn hóa dân tộc, thì dĩ nhiên là không thể chấp nhận được. Song việc đề cao văn hóa dân tộc thái quá và tràn lan lại có nguy cơ đưa đến tình trạng bài ngoại, đóng cửa, làm cho đất nước bị tụt hậu ngày càng xa so với các nước phát triển. Rõ ràng, toàn cầu hóa thật sự đặt ra những thách thức gay gắt cho văn hóa dân tộc.
Những thách thức mà toàn cầu hóa đặt ra cho các nước đang phát triển là rất lớn. Bứt phá vươn lên để phát triển hay khoanh tay chấp nhận tụt hậu, điều đó tùy thuộc vào ý chí, nghị lực phấn đấu của mỗi quốc gia. Thực tiễn sẽ cho lời giải đáp chính xác nhất về tính đúng đắn của con đường phát triển mà mỗi quốc gia đã lựa chọn.
* TS, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
(1) C. Mác - Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, t 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr 601
http://203.162.0.19:8080/show_content.pl?topic=5&ID=552

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét